Đề xuất giảm lãi suất, giãn tiến độ trả nợ cho người mua nhà

Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhìn tổng thể, thị trường bất động sản quý I-2020 bị trầm lắng, nhất là tháng 3 và nửa đầu tháng 4-2020 gần như bị đóng băng. Giao dịch mua bán nhà sụt giảm khoảng 70%, doanh thu sụt giảm trên dưới 80% dẫn đến tình trạng thiếu hụt tiền mặt và thanh khoản. Các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà đều gặp khó khăn rất lớn.
Tỉ lệ người mua nhà gặp khó khăn tài chính do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng nên phải xin thanh lý hợp đồng mua nhà chiếm trên dưới 10%, càng tạo thêm áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bất động sản, nhất là trong lúc các doanh nghiệp vẫn phải duy trì lực lượng lao động.
Vì vậy, ngày 18-4, HoREA có đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà, để tăng sức chống chịu, vượt qua khó khăn trong cơn bão đại dịch.
Giảm lãi vay, lùi thời gian trả nợ gốc
Theo HoREA, trong hai tháng qua, hầu như các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn...

Dịch COVID-19 khiến nhiều người mua nhà gặp khó khăn tài chính do bị giảm thu nhập, không trả được lãi vay ngân hàng cần được hỗ trợ.

Người vay mua nhà cũng chưa thể đàm phán với các ngân hàng thương mại về cơ cấu lại nợ, giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, để vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét cho các doanh nghiệp bất động sản được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30% lãi vay trong thời hạn 12 tháng, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.
HoREA cũng đề nghị các ngân hàng thương mại xem xét cho người vay mua nhà ở thương mại được giảm lãi vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc để vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 .
Giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất
Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cũng cho rằng cần có chính sách hỗ trợ giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất. Đối với doanh nghiệp, tiền sử dụng đất chiếm tỉ lệ lớn trong dự án nhà ở. Nếu phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm hiện nay, trong lúc bị sụt giảm mạnh doanh thu hoặc không có doanh thu thì doanh nghiệp càng thêm khó khăn.
Đối với các cá nhân, hộ gia đình, trước đây khi được chuyển mục đích sử dụng đất; được cấp giấy chứng nhận phải nộp tiền sử dụng đất và hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất tái định cư mà có khó khăn về tài chính sẽ được ghi nợ tiền sử dụng đất.

Kiến nghị giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp và các cá nhân, hộ gia đình.

Nhưng kể từ ngày 10-12-2019, theo Nghị định 79 quy định chỉ có các hộ gia đình, cá nhân là người có công với cách mạng; hộ nghèo; hộ gia đình, cá nhân là đồng bào dân tộc thiểu số; hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại địa bàn cấp xã được công nhận là địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, được ghi nợ tiền sử dụng đất trong trường hợp được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
Hiện nay, nếu cá nhân, hộ gia đình phải nộp tiền sử dụng đất để hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở, thì khoản tiền này có giá trị rất lớn, trong lúc hầu hết các cá nhân, hộ gia đình đều khó khăn và đang phải vất vả đối phó với đại dịch.
"Do vậy, hiệp hội đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất dự án đối với doanh nghiệp có số nợ tiền sử dụng đất phải nộp phát sinh trong các tháng 3 đến tháng 6-2020 (sau 90 ngày kể từ ngày có thông báo nộp tiền sử dụng đất) được giãn tiến độ năm tháng" - ông Châu nói.
Theo ông Châu, hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ xem xét, chấp thuận cho cá nhân, hộ gia đình cũng được giãn tiến độ nộp tiền sử dụng đất 12 tháng, khi hợp pháp hóa quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm