'Dễ thở' hơn trong chuyển mục đích sử dụng đất

Theo Luật Đất đai 2013, người dân muốn chuyển mục đích sử dụng đất (CMĐSDĐ) thì phải đăng ký để quận/huyện đưa vào kế hoạch SDĐ hằng năm trình TP hoặc HĐND TP thông qua (nếu là đất lúa). Mỗi năm, kế hoạch SDĐ được duyệt một lần nên người dân nếu không kịp đăng ký thì phải chờ đến tận năm sau. Tháng 12-2020, Nghị định 148 của Chính phủ ra đời đã tháo gỡ vướng mắc này.

Cho phép người dân được chuyển mục đích sử dụng đất hai lần/năm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc sử dụng đất. Ảnh: NGUYỆT NHI

Quận/huyện kiến nghị cho đăng ký hai lần/năm

Điều 52 Luật Đất đai 2013 quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất và CMĐSDĐ dựa vào hai điều kiện. Thứ nhất là kế hoạch SDĐ hằng năm của quận/huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Thứ hai là nhu cầu SDĐ thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, CMĐSDĐ. Trên thực tế, nhu cầu SDĐ của người dân có thể phát sinh bất cứ lúc nào nhưng nếu không khớp với thời điểm được đăng ký CMĐSDĐ thì sẽ không được giải quyết ngay.

Ông Nguyễn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, cho biết thông thường vào tháng 10 quận/huyện sẽ chuyển hồ sơ đến Sở TN&MT. Những năm trước, phải qua quý II, thậm chí quý III mới được duyệt kế hoạch SDĐ. Như vậy, tháng 10-2018 đăng ký nhu cầu CMĐSDĐ của người dân thì phải đến tháng 10-2019 mới được duyệt. Kế hoạch SDĐ tháng 10-2019 thì phải đến tháng 5-2020 mới được duyệt. “Như kế hoạch SDĐ năm 2021 của huyện Bình Chánh đến nay vẫn chưa được phê duyệt” - ông Tài nói.

Huyện Bình Chánh từng đề xuất một năm cho phép CMĐSDĐ hai lần để tạo điều kiện cho người dân SDĐ hiệu quả. Theo đó, tháng 10 quận/huyện gửi kế hoạch SDĐ lên Sở TN&MT thẩm định thì kế hoạch này cần được duyệt vào tháng 1 của năm sau. Nếu người dân có nhu cầu phát sinh thì tiếp tục đăng ký để huyện đưa vào danh sách trình duyệt.

Tương tự, ông Võ Phan Lê Nguyễn, Phó Chủ tịch huyện Nhà Bè, cũng cho hay huyện này đã ba lần có văn bản kiến nghị cho phép người dân được đăng ký nhu cầu SDĐ hai lần trong năm. Theo ông Nguyễn, việc xác định trước nhu cầu của người dân là rất khó. Do đó, để thuận tiện cho người dân mà cũng dễ dàng cho cơ quan quản lý nhà nước thì chỉ cần định hướng, thay vì định lượng nhu cầu SDĐ.

“Quận/huyện sẽ căn cứ vào định hướng đó để cân đối phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Cùng với đó, cho phép người dân được đăng ký hai lần trong năm sẽ giải quyết được vấn đề mà Nhà nước cũng thu được ngân sách” - ông Nguyễn nói.

Trước đó, tại buổi làm việc của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình với huyện Hóc Môn hồi tháng 3, ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện, cũng đề xuất hai phương án: Hoặc không tổ chức cho hộ gia đình, cá nhân đăng ký nhu cầu SDĐ hằng năm ở cấp huyện hoặc chỉ đăng ký một lần duy nhất và được áp dụng trong suốt năm năm của kỳ quy hoạch SDĐ.

Phó Chủ tịch huyện Hóc Môn phân tích quy hoạch SDĐ của huyện đã được lập và đánh giá năm năm kỳ đầu làm cơ sở điều chỉnh cho năm năm kỳ sau của quy hoạch. Trong đó có phân tích kỳ quy hoạch, nhiệm vụ dự kiến thực hiện theo từng năm. Do đó, việc lập kế hoạch SDĐ hằng năm ở cấp huyện không mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý đất đai mà còn gây bức xúc cho người dân.

Trong trường hợp cần thiết mà phải điều chỉnh về quy mô, địa điểm và số lượng dự án, công trình hoặc nhu cầu SDĐ của hộ gia đình, cá nhân nhưng không làm thay đổi về chỉ tiêu SDĐ theo loại đất và khu vực SDĐ theo chức năng trong quy hoạch SDĐ cấp huyện thì Phòng TN&MT tổng hợp nhu cầu SDĐ của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trình UBND cấp huyện báo cáo Sở TN&MT. Sở TN&MT trình UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định và cập nhật vào kế hoạch SDĐ hằng năm cấp huyện.

Điểm c khoản 3 Điều 7 Nghị định 148/2020 quy định về quy hoạch, kế hoạch SDĐ cấp huyện 

Tin vui cho người dân có nhu cầu CMĐSDĐ

Theo Sở TN&MT, UBND TP nhận thấy những vướng mắc nêu trên và cũng đã có văn bản kiến nghị trung ương sửa đổi cho phù hợp với thực tế của TP.HCM. Điều này đã được Chính phủ ghi nhận và đưa vào nội dung sửa đổi Điều 7 về lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch SDĐ tại Nghị định 148/2020.

Theo đó, sau khi kế hoạch SDĐ của quận/huyện được phê duyệt mà phát sinh nhu cầu thì người dân vẫn tiếp tục được đăng ký để quận/huyện tổng hợp, cân đối trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Sau đó sẽ được bổ sung, cập nhật vào kế hoạch SDĐ đã được duyệt trước đó. Tuy nhiên, phải kèm theo điều kiện là nhu cầu SDĐ phát sinh mới không làm thay đổi chỉ tiêu SDĐ theo loại đất và khu vực SDĐ theo chức năng trong quy hoạch SDĐ cấp huyện.

Hôm qua (15-4), Sở TN&MT tổ chức cuộc họp về việc áp dụng Nghị định 148/2020. Liên quan đến nội dung này, nhiều quận/huyện kiến nghị sở hướng dẫn cụ thể để thực hiện. Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng phòng TN&MT huyện Bình Chánh, cho rằng việc cho người dân được đăng ký SDĐ hai lần trong năm sẽ tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc, đặc biệt là chuyển từ đất nông nghiệp lên đất ở.

“Sở cần hướng dẫn rõ mỗi quý hay sáu tháng một lần huyện tổng hợp nhu cầu SDĐ để đưa vào kế hoạch” - bà Thảo nói.

Lãnh đạo Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận 7 kiến nghị: Với quy định mới, Sở TN&MT cần hướng dẫn rõ khi người dân đăng ký nhu cầu SDĐ phát sinh thì thời gian, quy trình quận/huyện báo lên sở trong bao lâu sẽ được giải quyết.

Ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết Nghị định 148/2020 có hiệu lực từ đầu tháng 2-2021 nhưng còn một số vướng mắc nên sở đã có các văn bản gửi Bộ TN&MT. Tuy nhiên, đến nay sở chưa nhận được phản hồi. Riêng các nội dung của Nghị định 148/2020, sở sẽ tham mưu UBND TP có văn bản hướng dẫn, áp dụng thống nhất cho các quận/huyện và TP Thủ Đức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm