Dân mệt mỏi với văn phòng đăng ký đất đai

Sau khi đi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận (GCN) nhà đất, nhiều bạn đọc phản ánh với Pháp Luật TP.HCM: Họ rất bức xúc về thái độ ứng xử của cán bộ một số chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) khi giải quyết khiếu nại, phản hồi thắc mắc của người dân.

Bị yêu cầu đủ thứ

Sau khi mua căn nhà 971 Hồng Bàng, quận 6 qua thủ tục bán đấu giá của Chi cục Thi hành án (THA) dân sự quận 6, bà Nguyễn Thị Hoàng Mai nộp hồ sơ xin cấp GCN. Biên nhận của VPĐKĐĐ quận 6 hẹn ngày 11-8-2015 trả hồ sơ. Quá ngày này, bà Mai gọi đến số điện thoại được in kèm theo biên nhận để hỏi thăm thì bất ngờ bên kia trả lời đó là số điện thoại của VPĐKĐĐ quận 2!

Vội vàng chạy lên VPĐKĐĐ quận 6, bà nhận được công văn của đơn vị này (ký ngày 10-8, trước thời điểm hẹn trả hồ sơ một ngày) yêu cầu bổ sung hồ sơ. Cụ thể, bà phải nộp thỏa thuận ranh sử dụng đất và tính chất tường (chung - riêng) với nhà lân cận cùng chứng từ chứng minh đã thanh toán tiền cho Chi cục THA quận 6.

“Dĩ nhiên tôi phải trả hết tiền thì Chi cục THA quận 6 mới chịu giao giấy tờ cho tôi đi cấp GCN. Trả hết tiền thì tôi mới được ký hợp đồng mua đấu giá. Tất cả hợp đồng mua bán tại cơ quan công chứng đều có điều khoản việc thanh toán là ngoài sự chứng kiến của công chứng viên. Có nghĩa là công chứng viên không dính tới số tiền mua bán. Trách nhiệm của cơ quan cấp giấy cũng thế, sao lại săm soi việc thanh toán giữa các bên?” - bà Mai ấm ức dù vẫn thực hiện theo yêu cầu này.

 
Bà Đàm Nữ mỏi mòn chờ Văn phòng Đăng ký đất đai quận 5 trả lời. Ảnh: CẨM TÚ

Khi quay lại VPĐKĐĐ quận 6, bà Mai mang theo cả bản chính lẫn bản phôtô giấy nộp tiền. Cán bộ tiếp nhận cho hay chỉ cần nộp bản sao có đóng dấu “Đã đối chiếu” với bản chính. Nhưng đến chiều cùng ngày, nhân viên VPĐKĐĐ quận 6 gọi điện thoại đề nghị bà phải quay lại nộp bản chính! Biên nhận hồ sơ lúc này hẹn lại ngày 28-9.

Chịu hết thấu, bà Mai gửi đơn khiếu nại kể lại những sự việc trên và đề nghị VPĐKĐĐ quận 6 chấn chỉnh. Vài ngày sau, bà Mai không được thông báo kết quả giải quyết hồ sơ mà nhận được thư mời ngày 30-9 đến VPĐKĐĐ quận giải quyết.

Theo biên bản làm việc, đại diện VPĐKĐĐ quận 6 xin lỗi vụ số điện thoại liên lạc không đúng và điều này đã được khắc phục. Tuy nhiên, VPĐKĐĐ quận 6 vẫn cho rằng yêu cầu nộp giấy tờ đã trả tiền là đúng nhưng sẽ “liên hệ Chi cục THA quận 6 để xin cung cấp biên bản giao nhà và biên bản đấu giá thành” (thay vì buộc bà Mai phải bổ túc). Bà Mai thì phải đập bệ cửa lấn hẻm bên hông mặc dù đó là hiện trạng cũ trước khi bà mua nhà để phường chụp ảnh nộp cơ quan đăng ký làm cơ sở cấp giấy.

“Những yêu cầu này tôi và Chi cục THA sẽ đáp ứng nhưng tôi cảm thấy bức xúc. Đó là những yêu cầu không hợp lý, không có trong quy định. Nếu cần thiết và đúng thì sao họ không yêu cầu khi tôi nộp hồ sơ hay trong công văn bổ sung?” - bà Mai thắc mắc.

Mỏi mòn chờ VPĐKĐĐ phúc đáp

Đó là trường hợp của bà Dương Thị Kỉa, ngụ D4/99 ấp 4, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Mảnh đất này được cấp cho bà Lê Thị Xích (chị chồng bà Kỉa, không chồng, không con) năm 1995, năm sau bà Xích mất. Năm 2004, huyện cập nhật điều chỉnh người đại diện đứng tên trên GCN là bà Kỉa. Qua năm sau, ông Lê Văn Muôn (chồng bà Kỉa, em ruột duy nhất của bà Xích) cũng mất.

Gần đây bà Kỉa đại diện các đồng thừa kế của ông Muôn (gồm bà và các con ruột) nộp hồ sơ xin cấp GCN lại cho mảnh đất (đã bán bớt
1 phần) và căn nhà trên đó. Thế nhưng VPĐKQSDĐ (nay là chi nhánh VPĐKĐĐ) huyện cho rằng bà Kỉa là em dâu của người có tài sản để lại, không thuộc diện thừa kế của người này mà chỉ có những người cháu ruột (tức con của ông Muôn và bà Kỉa) mới được cấp GCN.

“Cán bộ hiểu không đúng luật thừa kế. Tôi và các con là những người được hưởng thừa kế của chồng tôi hưởng từ chị ruột để lại” - bà Kỉa nói. Chưa kể năm 2007, bà Kỉa còn là người đứng ra xin GPXD tạm và được huyện cấp. Người đại diện pháp luật của bà Kỉa nhiều lần xin gặp lãnh đạo VPĐKĐĐ huyện Bình Chánh để trình bày nhưng chỉ gặp được cán bộ thụ lý nên không thể thống nhất quan điểm.

Phía bà Kỉa gửi đơn đến Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính (Sở Tư pháp) để phản ánh. Trong tháng 4 và tháng 6, Sở Tư pháp phát hai văn bản đề nghị chủ tịch UBND huyện Bình Chánh chỉ đạo làm rõ vụ việc để trả lời dân. PV Pháp Luật TP.HCM cũng đã liên hệ ông Huỳnh Công Thanh, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện, nhưng ông không trả lời.

Báo chí vào cuộc cũng không ăn thua

Thắc mắc của bà Đàm Nữ, ngụ 214 Đỗ Ngọc Thạnh, quận 5, cũng bị VPĐKĐĐ quận 5 quên lãng cả năm nay. Theo trình bày, năm 2012 bà nộp hồ sơ cấp GCN nhưng không được giải quyết với lý do là nhà nằm hoàn toàn trên hẻm 13 đường Phó Cơ Điều đang mở rộng. Năm 2014, VPĐKQSDĐ quận có văn bản cho hay đang xin ý kiến của VPĐKQSDĐ TP. Tháng 8-2014, VPĐKQSDĐ TP có công văn đề nghị nơi này xem xét giải quyết các trường hợp còn tồn đọng theo quy định mới của Luật Đất đai 2013, trong đó nêu rõ có trường hợp nhà bà Nữ. “Nếu còn tồn tại hoặc phát sinh vướng mắc mà quận 5 không quyết định được thì mời họp giải quyết trong thời hạn sớm nhất” - nơi này lưu ý.

Từ đó đến nay, bà Nữ liên hệ VPĐKĐĐ quận 5 không biết bao nhiêu lần để hỏi về tiến độ giải quyết nhưng chỉ được báo là chờ. Sau khi nhận đơn của bà Nữ, PV Pháp Luật TP.HCM đã liên lạc với ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc VPĐKĐĐ quận 5, thì ông cho hay phải mang hồ sơ cụ thể đến để xem xét. PV mang hồ sơ đến gửi cho ông Vinh nhưng sau đó không nhận được phản hồi. PV tiếp tục đến gặp một vị phó giám đốc nhắc lại đề nghị và cũng được hứa sẽ thông tin sớm.

Đã gần hai tháng kể từ lúc PV gửi hồ sơ cho VPĐKĐĐ quận 5, nơi này vẫn hoàn toàn im lặng. Báo chí hỏi còn khó khăn như vậy, huống gì người dân!

Theo quy định thừa kế, cách hiểu của bà Kỉa là phù hợp. Tài sản của bà Xích sau khi chết sẽ do người em trai (thừa kế duy nhất) hưởng. Sau đó người này mất thì vợ (tức bà Kỉa) và các con của ông và bà Kỉa được nhận di sản này.

Luật sư Trần Thị Miền, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm