Cơ hội tậu bất động sản nghỉ dưỡng giá hời

Theo nhiều chuyên gia bất động sản (BĐS), phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, căn hộ nghỉ dưỡng (condotel) dường như đang rơi vào trạng thái ngủ đông. Nguồn cung thị trường giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong năm năm qua.

Cùng với tác động của làn sóng COVID-19 mới đây, nhiều khách hàng đã có những động thái để xả hàng, thu hồi vốn.

Rao bán giá lỗ, lấy lại tiền cọc

“Tôi vừa làm giấy đề nghị hoàn tiền giữ năm suất ở dự án condotel tại Long Hải, mỗi suất là 50 triệu đồng, tổng cộng 250 triệu đồng vì thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 căng thẳng quá” - ông Trần Dương, một nhà đầu tư BĐS cá nhân, cho biết.

Theo khảo sát của chuyên trang batdongsan.com.vn, tại Nha Trang có nhiều trường hợp chọn giải pháp như ông Dương hoặc đăng tin rao bán cắt lỗ từ 100 đến 300 triệu đồng/căn condotel trên đường Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng… Cá biệt có những căn condotel trên đường Lê Thánh Tôn bán cắt lỗ đến 400-500 triệu đồng.

Tại Đà Nẵng, condotel trên các tuyến đường Lý Thường Kiệt, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Ngô Quyền… cũng ghi nhận nhiều căn đang rao cắt lỗ phổ biến khoảng 200-300 triệu đồng.

Ghi nhận tại những thị trường mạnh về BĐS nghỉ dưỡng như Đà Nẵng, Nha Trang… condotel có thanh khoản rất kém dù du lịch nội địa bắt đầu sôi động trở lại trong những tháng cuối năm.

“Những thị trường từng dẫn đầu về phát triển condotel như Phú Quốc, Khánh Hòa, Đà Nẵng… từ đầu năm 2020 đến nay không ghi nhận dự án mới mở bán, lượng tiêu thụ khá thấp và gần như không phát sinh giao dịch” - ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển) DKRA Việt Nam, cho biết.

Theo ông Hoàng, trong năm nguồn cung giảm mạnh, đây là mức thấp nhất trong năm năm trở lại đây. Sức cầu chung toàn thị trường ở mức rất thấp, thị trường gần như rơi vào trạng thái ngủ đông.

Cụ thể, DKRA Việt Nam cho biết cả năm 2020 trên cả nước chỉ có ba dự án condotel mới mở bán, cung cấp ra thị trường 525 căn, chỉ bằng 5% so với năm trước. Tỉ lệ tiêu thụ đạt khoảng 65% (342 căn), bằng 4% so với năm 2019. Giao dịch chủ yếu tập trung ở những dự án mới mở bán của các chủ đầu tư lớn với pháp lý minh bạch và tiến độ xây dựng đảm bảo.

Năm 2021, nguồn cung mới condotel và biệt thự biển có thể sẽ tăng so với năm 2020. Ảnh minh họa: THÙY LINH

Kỳ vọng gì vào condotel

“Với BĐS nghỉ dưỡng, nguồn cung mới condotel và biệt thự biển có thể tăng so với năm 2020, tập trung chủ yếu ở những thị trường quen thuộc như Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bà Rịa-Vũng Tàu” - ông Hoàng nhận định.

Tuy nhiên, ông Hoàng cũng cho rằng sức cầu chung toàn thị trường vẫn ở mức thấp, chưa có nhiều dấu hiệu tích cực để thay đổi đột biến. Bên cạnh đó, mô hình khu nghỉ dưỡng phức hợp (Integrated Resort tích hợp dịch vụ lưu trú, giải trí, thể thao, mua sắm…) tiếp tục nhận được nhiều sự quan tâm.

Theo nhiều chuyên gia BĐS, ngoài vấn đề thị trường, ảnh hưởng của dịch COVID-19, condotel chưa phát triển do còn gặp các rào cản về mặt pháp lý. Trong động thái mới nhất, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho biết hiệp hội vừa gửi văn bản cho Thủ tướng và các bộ, ngành về đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp luật để cấp sổ hồng cho căn hộ du lịch (condotel).

HoREA cho biết trong hơn 10 năm qua đã có một số UBND cấp tỉnh cấp “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở không hình thành đơn vị ở” (ổn định lâu dài) cho condotel. Tuy nhiên, mới đây cơ quan có thẩm quyền của trung ương đã kết luận việc cấp “giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở không hình thành đơn vị ở” cho condotel là trái với quy định của Luật Đất đai.

“Condotel có nhiều điểm tương đồng với căn hộ nhà chung cư và hầu hết đều nằm trong tòa nhà cao tầng. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có dự án nhà chung cư mới có căn cứ pháp luật điều chỉnh tương đối đầy đủ và khá chặt chẽ, còn condotel thì còn thiếu các quy định liên quan để điều chỉnh nên chưa thể xử lý được ba vướng mắc pháp lý” - ông Châu nói.

Vướng mắc thứ nhất là chưa có căn cứ pháp luật để xác định phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung để cấp “sổ hồng” cho chủ sở hữu condotel.

Thứ hai là chưa có căn cứ pháp luật để xác định trách nhiệm bảo trì, kinh phí bảo trì, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của chủ sở hữu condotel.

Thứ ba là chưa có quy định về cơ chế quản lý, vận hành tòa nhà khi đưa dự án condotel vào khai thác kinh doanh.

Trước các vướng mắc trên, HoREA kiến nghị sử dụng thống nhất khái niệm “căn hộ du lịch” (còn gọi là condotel) là một loại cơ sở lưu trú du lịch theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Luật Du lịch. “Căn hộ du lịch” có thể nằm trong nhà chung cư hỗn hợp, tòa nhà cao tầng độc lập, tòa nhà hỗn hợp của khu du lịch hoặc tòa nhà ngoài khu du lịch.

“Trong khi chờ ban hành các quy phạm pháp luật điều chỉnh (mới), hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quy định “phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung của chủ sở hữu condotel”” - ông Châu kiến nghị.

Việc xác định quyền sở hữu chung, riêng này để Bộ TN&MT có căn cứ hướng dẫn các địa phương ghi diện tích phần sở hữu riêng, quyền sử dụng đất của các chủ sở hữu vào giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình không phải là nhà ở.

Đồng thời, HoREA đề nghị quy định trách nhiệm bảo trì, kinh phí bảo trì, quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung và cơ chế quản lý, vận hành đối với tòa nhà căn hộ du lịch.

Theo HoREA, hiện nay cả nước có khoảng 82.900 căn hộ du lịch mà phần lớn nằm trong tòa nhà cao tầng thuộc các khu du lịch nghỉ dưỡng, sử dụng quỹ đất là đất thương mại, dịch vụ. Theo quy định của Luật Đất đai, thời hạn sử dụng đất này tối đa 50 năm, trường hợp đặc biệt tối đa không quá 70 năm. 


Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm