Chủ dự án bất động sản trốn công bố thông tin thế chấp

Luật sư Trương Thanh Đức.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức - công ty Luật Basico.
Thưa ông, là Luật sư chuyên trách ngân hàng, bất động sản, ông đánh giá sao trước con số TP.HCM có 77/600 dự án bất động sản công bố thế chấp ngân hàng và Hà Nội con số này còn ít hơn 26/300 dự án?
Luật sư Trương Thanh Đức: Tôi nghĩ đa số các chủ đầu tư dự án đều phải đi vay vốn ngân hàng và đương nhiên họ phải thế chấp dự án. Trong khi đó, số dự án thế chấp tại TP.HCM là 77 dự án và Hà Nội là 26 là quá ít. Đây là con số không bình thường.
Rất có thể, chủ đầu tư và ngân hàng ký kết cho vay dưới một hình thức khác để dễ dàng đánh lừa người mua nhà, đánh lừa dư luận.
Vậy, nếu các chủ đầu tư dự án không thế chấp bằng sổ đỏ thì họ có thể vay vốn ngân hàng dưới hình thức như thế nào?
Hiện nay, có 3 loại thế chấp: Thế chấp đất và nhà (điều kiện bắt buộc dự án phải có sổ đỏ).
Hai, thế chấp bằng dự án thì không nhất thiết phải có sổ đỏ.
Ba, thế chấp quyền tài sản trên đất (quyền khai thác, quyền sở hữu, quyền bán tài sản trên đất và nhiều quyền liên quan đến đất) – trường hợp này không cần sổ đỏ, không cần đăng ký tại sở Tài nguyên và Môi trường.
Vì vậy, dữ liệu mà Sở tài nguyên và môi trường công bố đều không có dữ liệu thông tin liên quan đến quyền thế chấp tài sản này. Đây là hình thức thế chấp được các chủ đầu tư ưu tiên lựa chọn nhiều nhất.
- Rõ ràng, chủ đầu tư có thế chấp ngân hàng nhưng lại không công khai thông tin tại Văn phòng quản lý đất đai của thành phố. Vậy, người dân làm sao tiếp cận được thông tin này để bảo vệ quyền lợi cho mình?
Vấn đề công khai giao dịch đảm bảo mới được thực hiện gần đây. Còn trước đây, thông tin này gần như được giấu kín. Chủ đầu tư nếu không đăng ký thông tin giao dịch đảm bảo tại Sở Tài nguyên và Môi trường thì phải đăng ký tại Sở tư pháp.
Tuy nhiên, quy định pháp luật đang có nhiều mâu thuẫn. Lẽ ra, các thông tin vay vốn đáng lẽ ra cần được công khai. Nhưng Luật tổ chức tín dụng 2010 quy định, thông tin vay vốn phải bảo mật, không được phép công bố dẫn đến các doanh nghiệp bất động sản không công khai thông tin.
Hậu quả, người dân, cơ quan quản lý, khách hàng, ngân hàng, doanh nghiệp…các thành phần liên quan đều gặp rủi ro do không nắm được tình trạng tài chính, tình hình thực tế của tài sản để quyết định có giao dịch hay không. 
Người dân đã nộp tiền mua nhà cho chủ đầu tư nhưng lại không biết dự án đã bị đem đi thế chấp cho ngân hàng. Vậy, người dân phải đối mặt với rủi ro gì thưa ông?
Theo quy định của Luật, nếu dự án đã thế chấp, chủ đầu tư muốn bán nhà thì phải giải chấp. Người mua nhà mua căn hộ tại những dự án đã được cấp sổ đỏ thì không phải lo lắng. Nếu mua dự án đang xây dựng dở dang, thanh toán theo tiến độ thì có thể xảy ra bất cứ rủi ro nào vì ngân hàng thu hồi, phát mại, chậm tiến độ, ảnh hưởng quyền mua nhà….
Vậy có cách nào để người dân có thể tiếp cận thông tin đó?
Người dân chỉ có thể tiếp cận được thông tin khi chủ đầu tư nghiêm túc trong việc công khai minh bạch về thông tin thế chấp, thông tin vay vốn với Sở tài nguyên và môi trường và văn phòng quản lý tư pháp.
Xin cám ơn ông!
 Chủ dự án bất động sản trốn công bố thông tin thế chấp ảnh 2
Theo KHÁNH AN (Vnmedia)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm