‘Cạo trọc’ đồi làm sân golf, dự án

Nhiều năm nay, người dân sống dưới chân những ngọn đồi bên bờ vịnh Hạ Long, trải dài từ Bãi Cháy sang Hòn Gai (TP Hạ Long, Quảng Ninh) phải chịu cảnh nắng bụi, mưa bùn từ khi những ngọn đồi này bị “cạo trọc”, đào khoét làm sân golf cùng các dự án bất động sản.

Lo đá lở, bùn tràn

Dãy đồi trải dài từ cột 3 đến cột 8 khu Hòn Gai từ giữa năm 2016 đã bị cày xới tung để triển khai dự án FLC HaLong bay Golf Club & Luxury Resort (gọi tắt FLC Hạ Long) với diện tích 244 ha đất đồi.

Hơn hai năm qua, người dân sống ở khu vực dưới chân dãy đồi này luôn phải chịu đựng cảnh nắng bụi, mưa bùn. Mùa mưa năm 2016, nhiều lần bùn đất từ trên đồi theo mưa tràn xuống khu dân cư. Mỗi lần trời mưa là người dân lại nơm nớp nỗi lo bùn, đất tràn vào nhà. Nhiều hộ dân đã phải sơ tán để tránh nguy cơ sạt lở đất, đá. Mùa mưa 2017, người dân vẫn sống trong tình trạng sợ hãi này.

Năm 2017, phát hiện dự án sân golf được xây dựng cấp tập này không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu FLC phải dừng thi công cho tới khi được phê duyệt. Sau khi bổ sung báo cáo này, FLC lại ồ ạt thi công. Đến nay, đỉnh đồi ngát cây xanh ngày trước nay dành cho những đường bê tông, nhiều hạng mục công trình đã hoàn thành xen lẫn với hàng loạt công trình khác còn dở dang, ngổn ngang như một đại công trường.

Bên khu vực Bãi Cháy, quả đồi Thủy Sản nằm ngay mé quốc lộ 18 từ lâu cũng đã bị cày xới tan hoang để triển khai dự án khu biệt thự đồi Thủy Sản do Công ty Cổ phần 577 làm chủ đầu tư. Ngọn đồi với rừng cây xanh ngắt nhanh chóng bị “cạo trọc”. Chung quanh các sườn đồi, người ta xẻ rãnh dựng các bờ kè bê tông. Trời nắng bụi đất mù mịt, trời mưa nơi đây bùn, đất nhão nhoét.

Một góc khu đồi bị “cạo trọc” để xây dựng công trình dự án FLC Hạ Long. Ảnh: ĐỖ HOÀNG

Quả đồi Thủy Sản ở Bãi Cháy bị san bằng để làm dự án đô thị. Ảnh: ĐỖ HOÀNG

Dự án này được triển khai từ năm 2016 trên diện tích 32 ha, dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Trong quá trình cắt gọt quả đồi, cả trăm hộ dân sinh sống dưới chân đồi thường xuyên sống trong cảnh thấp thỏm bởi bùn sạt lở, đất đá trôi vào nhà bất cứ lúc nào. Tháng 5-2017, Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo tạm dừng dự án này do triển khai chậm (được phê duyệt từ năm 2014), báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt đã hết hạn.

Cách đó không xa, các quả đồi khác cũng đồng loạt bị “cạo trọc”, cắt xẻ để xây dựng các dự án phát triển nhà như dự án Monaco Hạ Long, dự án Việt Mỹ, khu biệt thự khách sạn Vườn Phượng Hoàng...

Hứa trồng lại cây xanh

Ông Bùi Duy Dinh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Tuấn Thành, chủ đầu tư dự án khu dân cư đồi Ngân Hàng (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) có diện tích 25 ha, cho rằng khi triển khai xây dựng dự án, việc tác động môi trường là không tránh khỏi. “Tuy nhiên, quá trình thi công, doanh nghiệp (DN) phải xây dựng kè, ngăn chặn tình trạng sạt lở đất, không để ảnh hưởng tới đời sống người dân” - ông Dinh nói.

7 là số dự án bất động sản xây dựng trên các quả đồi nằm ngay gần vịnh Hạ Long, kéo dài từ khu vực Bãi Cháy sang khu vực Hòn Gai, theo Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ninh. Trong đó có những dự án được giao từ lâu nhưng “đắp chiếu” kéo dài. Cụ thể, dự án khu biệt thự, khách sạn phía Tây cầu Bãi Cháy, diện tích 11 ha của Công ty TNHH Đức Dương, được giao từ năm 2005; dự án Hạ Long Vista 18 ha của Công ty Cổ phần Việt Mỹ Hạ Long, được giao từ năm 2009… Gần đây, khi thị trường bất động sản nóng trở lại, các dự án này mới đồng loạt triển khai. 

Ông Dinh cũng cho biết sau khi thực hiện xong dự án, DN sẽ trồng lại cây xanh trả lại cho môi trường. Các biện pháp này sẽ hạn chế được những tác động tiêu cực tới môi trường.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Văn Hợp, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết đối với các dự án thiếu thủ tục pháp lý về môi trường, tỉnh Quảng Ninh kiên quyết xử lý tạm dừng, yêu cầu chủ DN phải hoàn thiện thủ tục. Để bảo vệ môi trường, tỉnh Quảng Ninh đã yêu cầu chủ đầu tư các dự án phải xây dựng kè chắn, gia cố mái taluy, hệ thống thoát nước tại các khu vực có nguy cơ sạt lở, ngập lụt; hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến cuộc sống người dân chung quanh.

Cũng theo ông Hợp, tỉnh Quảng Ninh đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu các DN phải đảm bảo an toàn trong quá trình thi công. “Nếu để xảy ra sự cố ảnh hưởng tới người dân sẽ xử theo pháp luật” - ông Hợp nhấn mạnh.

“Trảm” sạch rừng

Một cán bộ UBND tỉnh Quảng Ninh (xin không nêu tên - PV) cho rằng những dự án đô thị trên đồi nói trên là những dự án cũ đã “trót lỡ” phê duyệt từ trước cho các DN kinh doanh bất động sản. Việc thi công các dự án đã gây tác động tiêu cực tới môi trường chung của TP Hạ Long. Những cánh rừng trên đồi được ví như lá phổi xanh của khu đô thị vùng than đã bị “trảm” sạch để lấy mặt bằng phục vụ dự án đô thị.

Hiện chính quyền tỉnh Quảng Ninh vẫn phải để cho các DN thực hiện dự án nhưng yêu cầu họ làm kè để giảm bớt những ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân. Ngoài việc yêu cầu làm kè, tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các DN phải thực hiện phục hồi môi trường trên các quả đồi này. Tuy nhiên, dư luận cho rằng dù có phục hồi thì những dự án cạo trọc đồi rừng này không chỉ làm mất mỹ quan mà còn gây họa lâu dài về môi trường của TP du lịch bên bờ vịnh Hạ Long.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm