Cảnh báo bong bóng bất động sản trở lại

TS Trần Du Lịch cảnh báo tại cuộc họp về đề án phát triển thị trường BĐS giai đoạn 2016-2020 (gọi tắt là đề án) của UBND TP.HCM ngày 13-10.

Một đơn vị thuộc Trường ĐH Hồng Đức do Sở Xây dựng thuê làm tư vấn lập đề án dẫn ra bảy điểm còn vướng mắc khiến thị trường BĐS khó phát triển lành mạnh. Thứ nhất là hệ thống quản lý nhà ở và thị trường BĐS với nhiều bước thủ tục đầu tư. Ví dụ, quản lý chỉ tiêu quy hoạch và phê duyệt quy hoạch do Sở QH-KT và quận, huyện chịu trách nhiệm, việc quản lý giao đất do Sở TN&MT chịu trách nhiệm và cấp phép xây dựng do Sở Xây dựng chịu trách nhiệm...

Thứ hai, hệ thống văn bản pháp lý phức tạp và thường xuyên thay đổi. Thứ ba là công tác quản lý và chia sẻ dữ liệu thị trường BĐS còn chưa đáp ứng nhu cầu. Bốn điểm tiếp theo là công tác lập quy hoạch, kế hoạch liên quan đến thị trường BĐS thiếu đồng bộ; thị trường thiếu minh bạch; tín dụng BĐS tăng trưởng nhanh, chịu nhiều ảnh hưởng bởi các chính sách tín dụng; nguồn thu từ BĐS có chiều hướng giảm.

Từ đó, đơn vị tư vấn đưa ra một số giải pháp, đáng chú ý là đề xuất lập cơ quan quản lý phát triển nhà ở, xây dựng trung tâm thông tin thị trường BĐS đều trực thuộc UBND TP...

Theo TS Lê Chí Hiếu, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP (HoREA), vướng mắc chính của thị trường BĐS chính là hệ thống pháp luật đã đầy đủ nhưng chưa thực sự nhất quán nên khi đưa vào thực tiễn vẫn bị ách tắc. Chẳng hạn, việc tính giá đất phải thông qua hội đồng thẩm định giá rất mất thời gian. Trước đây việc này chỉ do Sở TN&MT phụ trách thì nay có thêm Sở Tài chính khiến doanh nghiệp phải đi tới đi lui. “Hoặc Nghị định 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở có khái niệm đất và đất ở, trong khi hiện nay phải là đất ở hết thì mới giao cho chủ đầu tư. Như vậy chẳng khác nào đánh đố với nhau giữa quả trứng và con gà” - ông Hiếu nói.

TS Trần Du Lịch ủng hộ đề án nhưng cho rằng vấn đề mấu chốt là phải giải tỏa được các “ức chế” của thị trường BĐS mà đơn vị tư vấn đã nêu. TS Lịch nhấn mạnh: “Khi làm đề án cần tiếp cận thị trường từ chuyển nhượng, cho thuê để xem thử có ức chế không. Nhiều năm trước, thị trường BĐS giống như chiếc máy bay toàn hạng ghế thương gia mà không có hạng trung bình nên “lệch pha” hết”.

Ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TP, ghi nhận những góp ý của các đơn vị dự họp, đồng thời chỉ đạo Sở Xây dựng và đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ để tiếp tục hoàn chỉnh đề án để có thể ứng dụng ngay sau khi hoàn thành. Riêng việc thành lập trung tâm thông tin thị trường BĐS, ông Khoa đề nghị Sở Xây dựng và Viện Nghiên cứu phát triển TP làm ngay để minh bạch thông tin, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người mua nhà tìm hiểu thông tin.

Theo TS Trần Du Lịch, một đô thị phải sống bằng tiền thuế BĐS nhưng hiện nay việc thu tiền sử dụng đất và tiền thuế nhà, đất còn nhiều bất cập. Cụ thể, tiền sử dụng đất thu cao nhưng thuế nhà, đất thì rất rẻ. “Không có lý gì một căn nhà trị giá 4 triệu USD mà một năm chỉ đóng thuế vài trăm USD. Vì vậy, cần có sắc thuế nhà, đất để có nguồn thu hợp lý và để điều tiết dân cư” - ông Lịch đề nghị.

Ông Dư Phước Tân, Viện Nghiên cứu phát triển TP, cũng cho rằng tỉ lệ điều tiết thu tiền dự án hiện nay rất bất hợp lý. Trước khi thực hiện dự án thì thu tiền sử dụng đất lớn nhưng khi dự án hoàn thành thì thu rất thấp. Nếu duy trì như thế thì nguồn thu sẽ cạn dần.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm