Tiền sử dụng đất ở TP.HCM

Bảng giá đất tăng, cần giảm hệ số K

Bảng giá đất năm 2015 tại TP.HCM ước tăng trung bình 1,6 lần so với năm 2014. Tiền sử dụng đất của người dân theo đó cũng tăng lên bấy nhiêu lần. Người dân càng chịu áp lực hơn khi bảng giá đất đã tăng mà hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất theo quy định tại Quyết định 18/2013 vẫn đang có hiệu lực thi hành.

Tiền sử dụng đất tăng gấp đôi

Ông Hoàng Hữu Tú đang làm thủ tục hợp thức hóa căn nhà với diện tích đất gần 300 m2 tại đường Hiệp Bình, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Theo quy định của TP,  hạn mức đất ở cho hộ gia đình cá nhân ở quận này là 200 m2. Như vậy phần diện tích trong hạn mức ông Tú sẽ nộp theo bảng giá đất TP ban hành. Còn lại 100 m2 đất ngoài hạn mức sẽ phải nhân thêm hệ số điều chỉnh (gọi là hệ số K) được quy định tại Quyết định 18/2013 của TP.HCM là 1,5 lần bảng giá đất.

Theo bảng giá đất năm 2014, mặt tiền đường Hiệp Bình có giá 3,1 triệu đồng/m2. Vậy tổng cộng tiền sử dụng đất phải nộp của ông Tú cho 300 m2 là hơn 1 tỉ đồng. Ông Tú cho hay qua thăm dò được biết theo dự thảo bảng giá đất giai đoạn năm 2015 của quận Thủ Đức thì đường Hiệp Bình được điều chỉnh gấp đôi, đồng nghĩa tiền sử dụng đất phải nộp của ông Tú sẽ tăng gấp đôi, thành 2,170 tỉ đồng! “Chỉ cách vài ngày, từ năm 2014 bước qua năm 2015 mà tiền sử dụng đất của tôi tăng hơn 1 tỉ đồng, quá lớn” - ông bày tỏ.

Bảng giá đất tại huyện Bình Chánh tăng trung bình 1,6 lần sẽ ảnh hưởng đến người dân và DN trong việc chuyển mục đích sử dụng đất. Trong ảnh: Thi công một dự án nhà ở tại huyện Bình Chánh. Ảnh: HTD

Không chỉ riêng ông Tú, những trường hợp đất có diện tích lớn mà chưa kịp chuyển mục đích sử dụng đất hoặc xin công nhận quyền sử dụng đất tương tự như trên sẽ bị ảnh hưởng nặng bởi việc bảng giá đất tăng đồng thời vẫn áp dụng hệ số K hiện nay.

Cần giảm hệ số K

Luật sư Trần Thị Miền (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc điều chỉnh bảng giá đất tại các tuyến đường nội thành như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi thì cho dù tăng gấp hai hay ba, bốn lần năm 2014 thì cũng không ảnh hưởng nhiều bởi nhà, đất các khu vực đó đã ổn định. Tuy nhiên, việc tăng bảng giá đất ở khu vực các quận ngoại thành, chỉ cần gấp rưỡi cũng gây tác động lớn đến người dân vì nhu cầu công nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng tại những nơi này còn rất nhiều. Đặc biệt, khi đã tăng bảng giá đất mà vẫn áp dụng hệ số K hiện nay là “không hợp lý, cần phải xem lại”.

Theo Nghị định 69/2009, tiền sử dụng đất phải theo giá thị trường. Trước đây, bảng giá đất do TP công bố, căn cứ được dùng để tính tiền sử dụng đất được đánh giá là quá thấp so với thị trường. Theo báo cáo của Sở Tài chính, so sánh giữa bảng giá đất năm 2013 và giá thị trường (bảng giá này được giữ nguyên trong năm 2014, chỉ bổ sung các tuyến đường mới) thì có nơi chỉ bằng 1/8 giá thị trường. Do vậy, việc áp dụng bảng giá đất như trên là không đúng yêu cầu của Nghị định 69 nên phải có giải pháp nâng lên; hoặc xây dựng bảng giá đất sát giá thị trường hoặc phải có hệ số K để áp dụng cho trường hợp sử dụng đất ở vượt hạn mức của hộ gia đình cá nhân. Năm 2012, TP ban hành hệ số K với ba mức áp dụng cho ba khu vực tại TP với con số: 3,5; 4 và 4,5. Năm 2013, nhận định hệ số này quá cao trong khi tình hình kinh tế khó khăn nên liên Sở TN&MT - Sở Tài chính - Cục Thuế kiến nghị giảm hệ số K để phù hợp thực tế. Sau đó hệ số này được chia thành bốn mức: 1,1; 1,3; 1,5 và 2 áp dụng cho bốn khu vực. Bảng hệ số K này được áp dụng đến thời điểm hiện nay bởi chưa có văn bản mới thay thế.

Như vậy mục đích của hệ số K là nhằm đưa bảng giá đất tiệm cận với giá thực tế để tính tiền sử dụng đất. Lý do xuất hiện hệ số K là do giá đất theo bảng giá quá thấp. Nhưng nay, bảng giá đất năm 2015 đã tăng lên. Việc TP xem xét lại hệ số K là cần thiết để người dân có khả năng nộp tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất ở, xin công nhận quyền sử dụng đất.

Bảng giá đất tại huyện Bình Chánh tăng trung bình 1,6 lần so với năm 2014. Mức độ ảnh hưởng đến người dân ra sao cũng chưa biết. Tuy nhiên, các quận ngoại thành đang đô thị hóa, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng nhiều thì sẽ ảnh hưởng rõ rệt.

Ông ĐOÀN NHỰT, Phó Chủ tịch huyện Bình Chánh, nhận xét

Sở Tài chính đang xem xét lại bảng hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất. Chắc chắn không thể áp dụng bảng hệ số cũ khi bảng giá đất năm 2015 có sự thay đổi. Anh em đã soạn thảo và tôi đang xem lại trước khi trình TP.

Bà ĐÀO THỊ HƯƠNG LAN, Giám đốc Sở Tài chính

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hội

7 'chìa khóa' mở nguồn cung nhà ở xã hộiLongform

(PLO)- Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cần nâng cao chất lượng công trình nhà ở xã hội tương đương nhà ở thương mại cho người dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách nhà ở xã hội của Nhà nước.

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

Giá nhà liên tục biến thiên, người mua sốt sắng tìm nhà trả góp

(PLO)- Giữa bối cảnh giá BĐS liên tiếp lập đỉnh chưa có dấu hiệu chững lại, lãi suất thấp kỷ lục, thị trường xuất hiện xu hướng dịch chuyển dòng tiền ra khỏi nhà băng để tìm đến các dự án trả góp dài hạn. Đây được xem là phương án tối ưu vừa bảo vệ giá trị tài sản trước nguy cơ mất giá – lạm phát, vừa nhanh chóng sở hữu nhà ở trước khi giá tăng quá cao.

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

Giá rao bán nhiều chung cư ở Hà Nội tăng 33%

(PLO)- Giá rao bán trung bình của chung cư ở Hà Nội trong 2 tháng đầu năm nay tăng đến 17% so với cùng kỳ 2023. Thực tế, không ít dự án có mức tăng giá trên dưới 30% chỉ sau 1 năm.