2021, tương lai khởi sắc cho nhà, đất ven đô

Sáng 5-1 đã diễn ra tọa đàm “Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới” tại FLC Vĩnh Phúc với sự tham gia của nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp.
Các chuyên gia, nhà đầu tư đều nhận định thị trường bất động sản (BĐS) năm 2021 sẽ khởi sắc hơn, đặc biệt khu vực đất vùng ven các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM sẽ tăng giá.
Nhà, đất vùng ven sẽ tăng giá
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho biết thị trường vừa trải qua một năm đầy biến động và tác động của dịch COVID-19 khiến các giao dịch càng trở nên trầm lắng. Giai đoạn đầu năm, thị trường tê liệt, nhiều dự án ngừng trệ, sàn giao dịch ngưng hoạt động, hạ tầng du lịch đóng băng. Mặc dù Chính phủ quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nhưng những vướng mắc về pháp luật vẫn khiến lực cầu giảm mạnh.
Tuy nhiên, cuối năm 2020 thị trường đã khởi sắc trở lại, nhiều dự án vẫn về đích đúng hạn. Nguồn cung mới đạt gần 60.000 sản phẩm, bằng 87,6% so với năm 2019. Lực cầu giảm nhưng thu hút đầu tư ngoài ngành tăng 30% lực cầu đầu tư mới cho thị trường. Đầu tư công về phát triển đô thị đã giúp tăng lực cầu đầu tư. Số lượng giao dịch tăng là minh chứng cho điều này.
Theo ông Đính, năm 2021 sẽ có nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực BĐS. Thị trường ít nguy cơ tạo bong bóng mà sẽ phát triển bền vững hơn; tập trung vào phát triển hạ tầng du lịch. Phân khúc BĐS du lịch không chỉ tập trung hướng biển mà còn vào trong các khu vực rừng núi giàu tiềm năng.
“Thị trường có thể tăng trưởng 10% so với năm 2020. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng có thể giữ hoặc giảm để kích thích đầu tư mạnh hơn. Chính phủ tiếp tục nỗ lực khắc phục, cởi trói cho doanh nghiệp” - ông Đính nói.
Nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp cũng đồng ý với nhận định thị trường BĐS năm 2021 sẽ khởi sắc hơn sau giai đoạn trầm lắng kéo dài từ năm 2018 tới nay. TS Nguyễn Đức Hưởng, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, nhận định thời gian tới BĐS vùng ven Hà Nội và TP.HCM sẽ lên ngôi.
“Năm năm tới, đất Long Thành, Đồng Nai, quận 9, Thủ Đức sẽ tăng giá mạnh. Nhà ở giá rẻ, vừa túi tiền và đất chia lô sẽ bán rất nhanh. Hậu COVID-19, nghỉ dưỡng du lịch đặc biệt, BĐS nghỉ dưỡng biển và núi cũng nở rộ” - ông nói.
Về giá nhà, đất, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, cho biết qua thống kê, giá nhà tại Việt Nam vẫn thấp hơn so với mặt bằng nhiều nước trong khu vực, do tốc độ đô thị hóa vẫn còn thấp. Những năm tới giá nhà, đất sẽ tiếp tục tăng. Theo thống kê, từ 2002 đến 2020, giá BĐS Hà Nội tăng 33 lần, TP.HCM tăng 16 lần.

BĐS khu vực TP Thủ Đức sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới.
Ảnh: Quang Huy

Điểm nghẽn pháp lý
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), cho biết thị trường BĐS năm qua vẫn gặp khó khăn, nhất là vấn đề về cơ chế, chính sách.
“Sự chồng chéo trong các luật như Luật Nhà ở, Luật Đất đai khiến thị trường gặp khó khăn. Từ 10-12-2015, tất cả dự án đầu tư bị đình trệ, đến năm 2018, thị trường mới chứng kiến sự thiếu giảm nguồn cung. Quy mô thị trường bị thu hẹp, giảm sản phẩm đưa ra thị trường. Theo quy luật cạnh tranh, cầu nhiều cung thiếu thì giá sẽ tăng” - ông phân tích.
Bên cạnh đó, các phân khúc nhà ở cũng bất hợp lý, thiếu bền vững. Tại TP.HCM, tỉ lệ nhà ở cao cấp trên thị trường chiếm trên 50% nhưng nhà ở giá thấp, giá phải chăng chỉ có số lượng rất ít. Trong khi đó, nhu cầu thực ở phân khúc này là nhiều nhất.
Theo ông Châu, năm 2020 đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng cơ chế pháp luật khi Luật Đầu tư, Luật Xây dựng sửa đổi, nhất là Nghị định 148 đã được ban hành để sửa đổi một số điều trong Luật Đất đai sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho thị trường. Cùng với đó, Bộ Xây dựng sẽ sửa đổi Luật Nhà ở, từ đó ban hành nghị định, xây dựng lại chung cư cũ, sửa đổi quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia thị trường BĐS phân khúc nhà vừa túi tiền, trung cấp, giá cả hợp lý.
Đồng tình với ý kiến của ông Châu, theo GS-TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, mặc dù Nhà nước đã tập trung tháo gỡ nhưng điểm nghẽn về cơ chế, chính sách cho thị trường vẫn chưa thực sự khai thông. Cụ thể như Nghị định 148 vẫn chưa lấp đầy khoảng trống về pháp lý BĐS.
Khoảng trống thứ hai là BĐS du lịch kiểu mới như condotel, shophouse... gặp rối ở giấy chứng nhận sử dụng đất và thời gian sở hữu chỉ 50 năm. Điều này vô tình khiến tâm lý nhà đầu tư không mấy mặn mà vì họ muốn hưởng ưu đãi như đất ở.
Hiện nay phân khúc nghỉ dưỡng vẫn phát triển nhưng bằng nguồn lực của các “ông lớn” địa ốc là chính. Do đó, ông Võ cho rằng cần mạnh tay để bù lấp các khoảng trống này, từ đó tạo sức sống cho thị trường BĐS.

Xu hướng giá đất sau đại dịch
Xu hướng giá đất sau đại dịch
(PLO)- Nhiều nhà đầu tư đang bỏ phố về vườn, mua đất ở các vùng ven có sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông và quy hoạch du lịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm