Yêu bóng đá kiểu này thì bó tay

Trong tuần qua, các bài viết “Đám đông tiếp tục gây sức ép với VFF”, “Dù thật hay giả, họ đã làm xấu hình ảnh người lính” đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc.

Bức xúc cách bán vé của VFF

Bài viết phản ánh việc trụ sở Liên đoàn Bóng đá Việt Nam VFF ngày 10-12 đã bị những cổ động viên tự xưng là thương binh tràn vào chiếm lĩnh các hành lang. Yêu sách được nhóm người này đưa ra là được mua vé trận chung kết lượt về AFF Cup. Nhiều bạn đọc phản ứng về hành vi này.

“Tôi cũng là một người lính, xem qua những hình ảnh trên báo chí thì không thể chấp nhận được. Những người này có thật sự là thương binh hay không thì các cơ quan chức năng sẽ xác minh, việc xông vào trụ sở nhà nước, tổ chức ăn nhậu như thế là không chấp nhận được” - bạn đọc KieuPhong phản đối.

Đồng quan điểm trên, bạn ThaiBinh cho rằng yêu bóng đá có nhiều cách thể hiện, không xem được trực tiếp thì có nhiều cách khác để xem. Chứ yêu bóng đá mà gây rối trật tự đến nỗi VFF phải cầu cứu Bộ Tư lệnh Thủ đô thì bó tay.

Từ câu chuyện này, một số bạn đọc chia sẻ một phần bức xúc của đám đông và không hài lòng cách bán vé của VFF. “Cách bán vé của VFF có nhiều bất cập, thiếu minh bạch vì vậy họ bức xúc thôi. Người hâm mộ thật sự thì không có vé để xem nhưng ra chợ đen thì có, giá cao ngất ngưởng” là ý kiến của bạn Nguoimientay.

Coi chừng vận dụng luật tùy tiện

“Tòa sai khi cho cựu phó thống đốc hưởng án treo” cũng là bài viết nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc. Ngày 10-12, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên án vụ Đặng Thanh Bình, cựu phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước và bốn đồng phạm về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Điều đáng nói là 2/5 bị cáo trên 60 tuổi kháng cáo, xin hưởng án treo và HĐXX vận dụng Luật Người cao tuổi để chấp nhận là sai.

Các bạn đọc ManhTien, QuangThanh đều có chung ý kiến: Luật là luật, làm gì có việc đưa Luật Người cao tuổi vào để hưởng khoan hồng, quá vô lý. Đề nghị các cấp thẩm quyền xem xét lại năng lực của HĐXX, cách vận dụng luật pháp như vậy có tùy tiện?

Bạn NguyenTran băn khoăn: “Với cách vận dụng luật như vậy thì sau này những người già trên 60 tuổi phạm pháp hình sự, nếu có nhân thân tốt sẽ được hưởng án treo hết hay sao? Tòa xử vậy sẽ thành án lệ, trên 60 tuổi, nếu có tội sẽ được hưởng án treo hết. Như vậy có đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật, xử đúng người, đúng tội hay không?”.

Không công bằng với người tiêu dùng

Bài viết “Giá xăng giảm mạnh, sao cước taxi, vận tải… không giảm?” là bài viết ghi nhận việc giá xăng dầu liên tục giảm sâu, tổng cộng 4.000 đồng/lít trong khi giá cước vận tải, hàng hóa đứng im là không chấp nhận được.

Bạn ThanhTu phân tích giá xăng dầu thường chiếm khoảng 30% giá cước dịch vụ vận tải. Thế nhưng giá xăng dầu liên tục giảm nhưng giá cước vận tải không giảm, giá các mặt hàng khác theo đó cũng không giảm. Phần thiệt hại chỉ là người tiêu dùng, phần lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn được bảo đảm. Như vậy là hành vi đối xử không công bằng với người tiêu dùng.

“Khi giá xăng dầu tăng thì giá cước vận chuyển, hàng hóa rục rịch ít nhiều tăng ngay, khi giá xăng dầu giảm thì doanh nghiệp viện dẫn đủ lý do để không giảm. Rõ nhất là giá cước taxi, giá xăng dầu giảm liên tục nhưng không thấy hãng taxi nào giảm giá cước. Cách đối xử với khách hàng như vậy là không chấp nhận được” là ý kiến của bạn XuanNghia.

Luật sư phản ứng quy định về trang phục luật sư

“Chiếc áo và vị thế của luật sư” là bài viết liên quan đến việc Liên đoàn Luật sư (LS) Việt Nam có Công văn 277 gửi TAND Tối cao đề nghị tòa án các cấp nhắc nhở, giám sát các LS mặc trang phục tại tòa theo quy định. Theo Liên đoàn LS, chỉ chấp nhận các LS tham gia phiên tòa khi có mang trang phục thống nhất theo quy định. Bài viết đã thu hút nhiều ý kiến góp ý của bạn đọc về quy định này.

Theo tôi, cụm từ “chỉ chấp nhận” các LS tham gia phiên tòa khi có mặc trang phục thống nhất là chưa chuẩn lắm. Điều này cũng có nghĩa là LS không mặc đúng trang phục quy định thì sẽ không được tham gia phiên tòa, LS bị tước quyền bào chữa? TanKhoa

Tại sao trang phục của LS phải có quy định? LS chúng tôi ăn mặc không được lịch sự lắm hay sao mà phải có quy định? Bản thân mỗi người LS là phải ý thức việc ăn mặc nghiêm chỉnh khi ra tòa rồi. Cải cách tư pháp là cải cách cách thức làm việc, cải cách luật pháp chứ không chỉ là quy định về đồng phục của LS –PhungThanhHung

- Luật sư chứ không phải học sinh mà đồng phục, đồng phiếc! Hãy trả cho một tổ chức xã hội, nghề nghiệp về đúng nghĩa của nó, bớt làm thay công tác dân vận. Cho chúng tôi thở với, được chưa? - LS Lê Thanh Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm