Ý nghĩa của 12 con số trong căn cước công dân

Trong tháng 2, nhiều quy định quan trọng liên quan mật thiết đến người dân sẽ có hiệu lực thi hành, trong đó có quy định về thi hành Luật Căn cước công dân (CCCD).

Những con số gắn bó với bạn suốt đời

Nghị định 137/2015 (hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật CCCD, có hiệu lực từ ngày 15-2) quy định công dân được khai thác thông tin của mình trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc khai thác này thông qua việc giải quyết thủ tục hành chính, văn bản yêu cầu khai thác thông tin hoặc thông qua dịch vụ viễn thông. Ngoài những trường hợp này, công dân có nhu cầu khai thác thông tin phải có văn bản yêu cầu và được sự đồng ý của cơ quan quản lý.

Theo nghị định này, cá nhân khi đăng ký khai sinh sẽ được cấp số định danh cá nhân gồm 12 số, trong đó sáu số là mã thế kỷ sinh, mã giới tính, mã năm sinh, mã tỉnh/TP trực thuộc trung ương và mã quốc gia nơi đăng ký khai sinh cùng sáu số ngẫu nhiên. Số định danh cá nhân này sẽ là số CCCD khi công dân đó làm thẻ căn cước khi đủ tuổi.

Trường hợp đã đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, số định danh cá nhân sẽ được cấp khi làm thủ tục cấp CCCD.

Đóng BHXH chưa đủ một năm được hưởng tối đa hai tháng lương

Theo Thông tư 59/2015 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn thi hành Luật BHXH (có hiệu lực thi hành từ ngày 15-2), người lao động có thời gian đóng BHXH chưa đủ một năm được hưởng bảo hiểm là 22% các mức tiền lương đã đóng BHXH, tối đa bằng hai tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Người lao động nghỉ việc hưởng trợ cấp ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không phải đóng và không được hưởng BHXH tháng đó. Trường hợp nghỉ chăm sóc con dưới bảy tuổi, có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh thì vẫn được hưởng chế độ ốm đau theo quy định. Ngoài ra, tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc do người sử dụng lao động quyết định, không bao gồm các khoản chế độ và phúc lợi khác…

Tàu chậm quá năm phút, phải trả tiền vé cho khách

Hành khách đi tàu đường sắt đô thị có thể từ chối đi tàu và yêu cầu doanh nghiệp trả lại tiền vé nếu tàu vận hành chậm quá năm phút so với biểu đồ chạy tàu mà không thông báo với hành khách... Doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị được từ chối vận chuyển đối với hành khách say rượu, người mất trí, người có bệnh truyền nhiễm, khách có hành vi làm mất trật tự công cộng, đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của hành khách khác, người mang theo hành lý vượt quá số lượng, trọng lượng, trẻ em dưới sáu tuổi không có người lớn đi kèm…

Đó là nội dung của Thông tư 77/2015 của Bộ GTVT, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-2.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm