Phải chăng giáo viên ‘không thuộc bài’?

Sự việc này xảy ra ngay sau khi cảm xúc phẫn nộ về cô giáo ở trường cấp 2 của tỉnh Quảng Bình yêu cầu cả lớp luân phiên nhau tát hơn 200 cái một học sinh chưa kịp lắng.

Đây là hai ví dụ gần nhất về cách quản lý học sinh nặng về cảm tính, thiếu kỹ năng sư phạm và rất phản giáo dục. Còn nếu thống kê từ đầu năm, chỉ riêng những vụ việc báo chí nêu lên thì hiện tượng giáo viên sử dụng phương pháp bạo lực với học trò còn nhiều, báo động về mức độ ảnh hưởng tới danh dự và sự phát triển bình thường của học sinh sau này.

Lý giải cho việc này, nhiều người cho rằng cách hiểu của một bộ phận giáo viên về cách dạy dỗ “Yêu cho roi cho vọt” đang bị sai, bị lợi dụng cho sự thỏa mãn được xả nỗi bực bội cá nhân nào đó (về nhà chồng giận, đi đường đụng xe, tới trường bị mắc mưa…).

Lại có người cho đây là sự tiếp nối, “sao y bản chính” hình thức phạt học trò những năm 80 của thế kỷ trước. Kiểu các thầy cô đã từng “nếm mùi” và “nên người”, thành đạt như hôm nay nhờ cách sử dụng thước kẻ, giẻ lau bảng… sai mục đích của những giáo viên từng dạy họ (!?).

Ý kiến khác thì đổ lỗi cho gia đình. Theo đó, trẻ bây giờ sống trong tình cảm quan tâm, nuông chiều quá mức ở nhà. Do vậy, giáo viên phải làm thay cả phần việc của cha mẹ chúng, trong đó có phạt, đánh để học sinh nên người!

Là một người từng học giáo dục học - một ngành học có nhiều môn tương đồng với ngành sư phạm, người viết hiểu sinh viên được trang bị kiến thức, kỹ năng của người giáo viên đủ sức ứng biến với mọi tình huống học đường.

Những kiến thức và kỹ năng này (đương nhiên không có “kỹ năng phạt bằng bạo lực”) nếu áp dụng đúng thì kết quả sẽ tạo ra những thế hệ học sinh nhân văn, tiến bộ, tự tin hòa nhập, thích nghi và sẵn sàng đóng góp tích cực cho thời đại.

Vậy tại sao khi rời giảng đường vào nhà trường làm công việc dạy học, nhiều người lại để xảy ra những tình huống đối xử với sức khỏe, danh dự của học sinh rất không hay ho?

Phải chăng là giáo viên đó “không thuộc bài”, cố tình quên?... Khi coi thường học sinh, họ có nghĩ rằng đang coi thường chính sứ mệnh là người đưa đò, dìu dắt những măng non của đất nước tới bến bờ thành công?

Vậy xử lý và thanh lọc hiện tượng “không thuộc bài” này thế nào? Xã hội nên kêu gọi tiếng nói của lương tri, trách nhiệm và đạo đức luôn được trui rèn và thực hiện nhiệm vụ làm kim chỉ nam về ứng xử cho giáo viên?

Hay Bộ GD&ĐT cần cùng các ngành chức năng tổ chức một cuộc tổng rà soát về đạo đức giáo viên. Từ việc này sẽ giúp xã hội loại bỏ hoặc cải biến những “con sâu” có khả năng gặm nhấm làm thui chột quá trình hoàn thiện nhân cách của học sinh?

Tôi cho rằng Bộ nên làm! Tuy nhiên, cần một cách làm bài bản, nếu không sẽ phát sinh hệ lụy.

Và trong khi chờ đợi cuộc tổng rà soát một cách khoa học, khách quan đó, có lẽ nên áp dụng một giải pháp khả dĩ. Đó là tại các cơ sở giáo dục nên treo các bản tin, hình ảnh về các vụ bạo lực học đường trong phòng họp của giáo viên.

Tin rằng những thầy, cô giáo khi ngày ngày tiếp cận những tin tức tiêu cực đó sẽ tự động liên hệ và ý thức được cách hành xử trên lớp của mình.

Nếu một cách làm đúng thì dù nhỏ cũng có thể làm tan chảy những quan điểm bảo thủ lớn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm