Nhận tin nhắn mượn tiền, nhớ gọi xác minh trước khi chuyển

Gần đây, xảy ra nhiều trường hợp người dùng Facebook bị hack tài khoản. Tài khoản bị kẻ xấu hack để gởi tin nhắn vay tiền, nộp card điện thoại, phát tán tin nhắn riêng tư...

Có nhiều lý do mà tài khoản của người dùng bị hack như mật khẩu quá đơn giản, mất điện thoại, không cài mật khẩu nhiều lớp, mật khẩu không thay đổi sau hai ba tháng, đăng nhập vào trang web giả mạo...

Các chuyên gia an ninh mạng đã khuyến cáo người dùng mạng xã hội nên thiết lập xác thực mật khẩu qua tin nhắn hoặc email, không nên truy cập vào các đường link không rõ nguồn gốc và hết sức cẩn thận các tin bài giật gân, câu like... Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tài khoản người dùng mạng xã hội chưa biết cách bảo vệ hoặc do thiếu hiểu biết rồi thờ ơ với việc bảo mật.

Ở cơ quan tôi làm việc, có một chị mới đây bị hack tài khoản Facebook và bị lợi dụng để gửi tin nhắn lừa vay tiền đến gần 100 triệu đồng.

Chị này trong cơ quan rất có uy tín với mọi người, chị cũng có giao dịch tiền bạc qua tin nhắn nên mọi người không xác minh, tin tưởng chuyển tiền.

Sau sự việc này, trong cơ quan có nhiều người không hài lòng và không vui với nhau. Người thì bị lừa mất tiền, giờ không biết đòi ai, người thì bị hack tài khoản thì không biết lấy tiền đâu mà đền…

Đó là trường hợp bị hack tài khoản thật, tôi còn biết có trường hợp giả là bị hack tài khoản để lừa người quen, bạn bè vay tiền. Tốt nhất khi gặp những tin nhắn liên quan đến tiền bạc thì nên gọi trực tiếp cho người nhắn để xác minh trước khi chuyển tiền.

Một điều hạn chế là người bị lừa tiền kiểu này thường chậm báo cơ quan chức năng như công an, ngân hàng liên quan đến tài khoản chuyển – nhận tiền nên bị thiệt hại.

Để đảm bảo quyền lợi của mình, các cá nhân, tổ chức bị hại nên trình báo ngay sự việc với cơ quan chức năng ngay khi bị lừa đảo, không nên ngại, im lặng chấp nhận để rồi kẻ lừa đảo tiếp tục đi lừa người khác. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm