Làm sao quét “rác” ở thành phố?

Ngày nhỏ ở Nam Định, ốc bươu vàng khi ấy mới có nên lạ, bọn trẻ chúng tôi muốn thỏa niềm hứng thú thì phải bỏ ra 500 đồng tiết kiệm từ ăn sáng mới có được một đôi.

Tôi mua về, thả vào bể nước ăn, kèm theo đó là cặp cá chọi, vài chú cá mây chiều… với ước mơ ngây thơ là bọn này sẽ sinh sôi nảy nở.

Làm sao quét “rác” ở thành phố? ảnh 1
Thành công sẽ đến khi có phương pháp tác động đúng. Ảnh: Internet

Và tôi vẫn dùng nước trong bể ấy để rửa rau, vo gạo nấu cơm phụ gia đình. Một ngày xấu trời, khi cái trứng ốc xuất hiện rồi bị mẹ phát hiện, bà giảng giải về vệ sinh nấu nướng, xong nọc tôi ra cho vài roi, buộc phải làm sạch lại cái bể hơn 1 m3 nước.

30 năm rồi nhưng lần “phạt vi cảnh”, bắt khắc phục hậu quả ấy mỗi lần nhớ đến vẫn khiến tôi có cảm giác vừa sợ vừa phục bà.

Giờ thì sống trọ ở TP.HCM, ngoài những điều tốt đẹp thì đô thị lớn này vẫn còn một số vấn đề phần nào cho thấy tại sao nơi đây chưa thực sự sánh ngang với những đô thị được gọi là văn minh.  

Làm sao quét “rác” ở thành phố? ảnh 2
Những người phát tờ rơi dường như không quan tâm việc họ làm xấu bộ mặt đô thi thế nào. Ảnh: Internet

Bất cứ ai tham gia giao thông cũng đều có thể giật mình bởi một tờ rơi thình lình xuất hiện trước mặt lúc dừng đèn đỏ. Người thực hiện động tác nhanh như "xỉa bài" đó đôi khi chẳng quan tâm thái độ đón nhận của bạn thế nào. Họ chỉ làm nhiệm vụ phân phát những mảnh giấy xong rồi rút đi, để lại một chiến trường rác cùng sự khó chịu của những ai vì phép lịch sự mà gấp lại, nhét vào túi áo.

Đáng buồn, dù thành phố từ lâu có quy định cấm hiện tượng này nhưng chưa thấy tác dụng.

Rồi chuyện “giải quyết nỗi buồn” khi vừa hào hứng cùng nhóm bạn cụng ly trong quán nhậu, chuyện nói tục, chửi thề, chuyện vô tư khạc nhổ, chuyện xử lý mâu thuẫn bằng nắm đấm… đều là những ứng xử không đáng có với không gian công cộng.

Nói một cách hình tượng, đó là “rác của lối sống đô thị”

Làm sao quét “rác” ở thành phố? ảnh 3
Thanh niên vi phạm bị phạt bằng cách tham gia điều tiết giao thông dưới sự giám sát của cảnh sát

Giải pháp nào cho những điều trên? Với những quy định và chế tài hiện nay rõ ràng là không khó để xử lý bất cứ trường hợp vi phạm nào.

Có điều, việc tái diễn vi phạm vẫn không bớt đi, những người làm ô nhiễm không gian văn minh chỉ việc rút tiền đóng phạt rồi cũng dễ quên.  Biện pháp phạt tiền hầu như rất yếu để gây sự thấm thía trong họ.

Vài tháng trước, Đội quản lý trật tự đô thị quận 1 (TP.HCM) gây bất ngờ thú vị khi xử lý một người đàn ông có hành vi tiểu tiện không đúng chỗ. Theo đó, người này phải khắc phục hậu quả bằng việc tự tay múc nước mang tới dội sạch nơi mình vừa “xả”.

Còn mới đây tại TP Thái Nguyên, thanh niên vượt đèn đỏ nhận hình thức xử lý là đứng ra điều tiết giao thông dưới sự giám sát của CSGT.

Làm sao quét “rác” ở thành phố? ảnh 4
Người dân chuộc lỗi việc tiểu bậy bằng cách mang nước tới dội. Ảnh: Internet

Đó là hai ví dụ sinh động gợi ý cho cách xử lý những hành vi chưa văn minh của người dân. Nhiều nước trên thế giới đã làm điều này thông qua khái niệm “Lao động công ích”. Dường như nó có tác dụng khiến cho ý thức hành xử nơi công cộng được nâng lên cao hơn hẳn vì có khiến người ta phải làm cái gì đó mất công sức, mất thời gian hơn, mắc cỡ hơn để sửa lỗi. Không đơn giản là móc ra vài chục, vài trăm ngàn. 

Phải chăng chúng ta nên tận dụng hình thức phạt này nhiều hơn, tất nhiên phải bằng quy định chứ không phải là cách làm ngẫu hứng của một vài đơn vị sáng tạo ra. Đồng bộ, lớp lang thì mới có tác dụng sâu rộng, điều đó quá rõ mà. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm