Làm gì khi gặp cán bộ (nghi) bị lãng tai?

Hôm trước dẫn con Mén (bạn thân) đi làm sổ tạm trú, chuẩn bị kế hoạch nhập hộ khẩu cho nó đón con trai dưới quê lên học. Tôi quen con Mén hồi thời mới cù bơ cù bất lên TP.

Hai đứa chỉ có sức trâu với bốn bàn tay trắng, giờ nó vẫn hai bàn tay trắng, còn tay tôi do đi nắng nhiều hơn nên còn trẻ mà bàn tay đã xuất hiện nhiều lốm đốm đồi mồi.

Nhớ cái ơn nó hồi đó tôi đau bụng nửa đêm, nó chở tôi đi bệnh viện cấp cứu rồi ngồi chờ trời sáng, nó ra cổng bệnh viện lột dây chuyền mỏng dánh bán được triệu đồng vô đóng tiền viện phí cho. Mưu sinh đưa đẩy mỗi đứa đi một vòng trái đất rồi lại được ở cùng mái nhà.

Kể tiếp chuyện đi làm sổ tạm trú, nhận hồ sơ là một nữ cán bộ công an xã mặt lạnh tanh tiếp.

- Chồng chị đâu sao không viết tên vô?
- Chồng chị thôi rồi, có cần phải ghi tên vô không em? (Mén đáp)
- Chị biết tên chồng chị không?
- Biết!
- Biết thì ghi vô.
Mén run tay ghi cái tên của người đàn ông không bao giờ muốn nhắc vô lý lịch.
- Mang hồ sơ về ấp đăng ký trước với công an khu vực rồi hãy quay lại đây.
- Vậy hả, vậy chị về nghe em.
 Im lặng.
- Cưng ơi, chị về nghe em. (Mén nói lớn hơn)
 Đáp lại cũng chỉ là sự im lặng, không cảm xúc.

Con Mén quê quê cái mặt, nhìn tôi cười méo xẹo rồi nói: "Đi về đi Trinh, tui đói bụng quá".

Hôm sau kêu con Mén đi làm đi, tự mình đi làm các thủ tục còn lại. Ra công an ấp đăng ký xong, chạy đến công an xã nộp hồ sơ.
- Chị làm gì đó chị? (Một nam cán bộ công an xã hỏi)
- Tui làm sổ tạm trú.
Chú đó chạy vô trong kêu: "T. ơi, ra nhận hồ sơ tạm trú nè". Giọng nữ trả lời lằng nhằng gì đó nghe không rõ. Chú ấy chạy ra nói: "Thứ Hai chị tới nghe, cô T. đi ra ngoài rồi".
- Không, thứ Hai tôi phải đi làm, bây giờ là 9 giờ 20 còn giờ làm việc, nếu không có lý do chính đáng, tôi sẽ không về.
Chú ấy lại chạy vào, nghe giọng nữ ở trong lại lằng nhằng gì đó, rồi nghe tiếng xe máy chạy cái vèo.

Chú ấy lại chạy ra: "Chị chịu khó tuần sau ra nộp nghe, cô T. bệnh nên về rồi".
Quá bức xúc tôi nói: "Nhận hồ sơ thì mất mấy phút của cán bộ? Chưa tới 3 phút. Trong khi để đi nộp hồ sơ tôi phải xin nghỉ làm một buổi sáng, thời gian đi về chạy xe cũng 30 phút. Chúng ta hô hào cải cách tư pháp từ năm nào rồi mà đến bây giờ còn để người dân lãng phí thời gian như thế này? Bây giờ đang là giờ làm việc, tôi nghĩ ở đây không chỉ có một mình cô ấy biết viết biên nhận. Mà biên nhận cũng chỉ là cái mẫu có sẵn, biết viết chữ là làm được. Hồ sơ này hôm nay tôi nhất định phải nộp.

Ngoài ra tôi còn có một yêu cầu khác, tôi muốn gặp lãnh đạo phụ trách trực ngày hôm nay để trực tiếp phản ánh về thái độ của nữ cán bộ đó".
Vậy là tôi được vô phòng phó trưởng công an để trình bày sự việc.

- Nói thiệt với anh, một nụ cười của cô ấy chúng tôi không dám đòi hỏi, Nhưng người ta đáng tuổi mẹ, một tiếng ừ hay một cái gật đầu có quá lớn lao không? Anh suy nghĩ thử coi câu hỏi “Chị biết tên chồng chị không?”, người nghe có nhói lòng không? Người ta chào cổ đến hai lần mà cổ trơ ra như gỗ đá vậy. Tôi nghĩ đây là phép lịch sự tối thiểu của con người với nhau thôi mà. Bạn tôi hiền đó, chứ tôi là tôi sẽ hỏi cô có bị điếc không rồi đó.
- Chị thông cảm, mấy ngày nay cô ấy bị bệnh nên hơi mệt.
- Mệt thì xin nghỉ phép ở nhà nghỉ ngơi. Chứ tôi thì tôi trông sắc diện cô ấy hồng hào lắm mà. Mà vấn đề ở đây không phải là khỏe hay không khỏe mà là bản chất, nếu không kịp thời chấn chỉnh thì mất hình ảnh người công an nhân dân…

Tôi cam kết với anh, tôi sẽ làm một tờ đơn gửi lãnh đạo để phản ánh, kịp thời chấn chỉnh thái độ của cô đó.

Sau đó, sáng thứ Hai, tôi nhận một cuộc điện thoại từ số lạ, một giọng nữ ngọt như mía lùi: "Dạ chị ơi, em là T. ở công an xã nè, chị thông cảm..., tại bị thì là nếu... Chiều mốt chị ra nhận sổ tạm trú nghe chị".

Nhanh dữ luôn, làm sổ tạm trú tính ra có hai ngày làm việc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm