Hai ý kiến để TP.HCM đẹp như kỳ vọng

Hơn 10 năm sống tại TP.HCM, ngoài những khó khăn, bất tiện mang đặc điểm chung của đa số đô thị giai đoạn chuyển mình, thì nơi đây để lại trong tôi những ấn tượng tích cực về sự văn minh của nền hành chính cũng như bản sắc phóng khoáng, hào sảng, nghĩa tình ở mỗi người dân.

Một góc TP.HCM nhìn từ trên cao

Để những ấn tượng ấy bền vững và lan tỏa theo cấp số nhân tới mọi người trong nước cũng như bạn bè quốc tế, theo tôi, những cơ quan chức năng đóng vai trò quan trọng.  Bởi, nếu một chính quyền luôn đưa ra những chính sách tốt, cách làm hay thì chắc chắn nguồn cảm hứng cho phát triển sẽ mãi dồi dào.

Và hệ thống những chính sách tốt, cách làm hay ấy nên chăng bổ sung thêm hai điều sau đây:

 Thân thiện từ “vòng gửi xe”

Hiện nay, một số cơ quan tương tác trực tiếp với người dân như UBND phường, xã, quận; phòng công chứng…, bố trí chỗ để xe của người dân tại một phần trong sân trụ sở. Nơi này thường không có mái che, người đến trước thường chọn vị trí có bóng râm hoặc lấy ra thuận lợi. Điều này tạo thành từng “nhóm xe”, nơi co cụm, nơi phân tán.

Trụ sở UBND một phường ở TP.HCM - Ảnh chụp sáng 10-10

Về mặt thẩm mỹ, thực trạng đó tạo cảm giác thiếu trật tự, lộn xộn, nhếch nhác ngay tại sân trụ sở.

Về mặt tâm lý người dân, nếu xe để ngoài nắng hay giữa trời mưa thì sau khi giải quyết xong việc bên trong trụ sở, ra ngoài lấy xe sẽ có cảm giác ngần ngại, khó chịu vì yên xe quá nóng hoặc ướt bẩn. Lâu dần gây cảm giác ngán ngẩm khi buộc phải đến những nơi này.

Ngoài ra, một vài nơi dù quy định không thu tiền giữ xe nhưng vẫn để hộp tiền lẻ trước bàn soát vé với “ẩn ý”: khách ra vào tùy tâm bồi dưỡng. Và theo quan sát thì thường ai cũng mất công loay hoay mở bóp tìm kiếm tiền lẻ bỏ vào cho phải phép.

Vậy, với một động tác làm nhà để xe có mái che tại vị trí không phải ở mặt tiền trụ sở, nơi ấy sẽ cơ bản giải quyết được những vấn đề trên. Và từ đó, khi sự thoải mái và hài lòng tới từ người dân ngay từ "vòng gửi xe", chắc chắn sẽ là tiền đề để các giải pháp cải cách hành chính được phát huy hiệu quả tối đa.

Cùng với đó, việc dứt khoát không lấy tiền giữ xe dù dưới hình thức nào cũng góp phần tạo sự thoải mái, thân thiện hơn rất nhiều.

Bản sắc thành phố từ cách đặt tên đường

Cũng xuất phát từ thực tiễn những lần đi làm, lộ trình từ nơi đón xe tới cơ quan là quốc lộ 1A, vòng chân cầu Tân Thới Hiệp tới đường Lê Đức Thọ, quẹo phải sang Lê Văn Thọ, đi tiếp Quang Trung, Nguyễn Kiệm, Bạch Đằng, Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn…

Những tên đường phố ấy gắn với địa danh, sự kiện hoặc nhân vật lịch sử, tuy nhiên, với cách ghi như hiện nay, những tấm biển ấy chỉ mang tính chất chỉ báo, hướng dẫn, định vị về mặt không gian….

Bảng tên đường đơn điệu và không ấn tượng - Ảnh chụp giao lộ Quang Trung - Thống Nhất sáng 10-10

Tôi có ý nghĩ rằng tại điểm đầu và cuối của mỗi đường phố, thay vì những tấm bảng đơn thuần mang tính xác định vị trí đó, cơ quan chức năng nên điền thêm một số thông tin cơ bản.

Ví như tên danh nhân (như Trần Hưng Đạo, Nguyễn Văn Linh, Văn Cao…) nên có đôi dòng giới thiệu thân thế sự nghiệp, thành tích, những đóng góp cho xã hội của họ. Tên địa danh (Trường Sơn, Hoàng Sa, Trường Sa…) cần những thông tin về đặc điểm, hoàn cảnh lịch sử gắn với những địa danh đó. Tên sự kiện (30-4, Thống Nhất, Bạch Đằng, Chi Lăng…) cũng nên có những giải thích tương tự.

Những lợi ích mang lại có thể thấy ngay. Thứ nhất, về nhận thức, đây là một cách cung cấp kiến thức giáo dục nơi công cộng hiệu quả. Người tham gia giao thông qua những đường phố không ít thì nhiều sẽ chú ý, việc lặp lại mỗi ngày như thế sẽ ghi vào trí nhớ mà không cần phải học lại qua trường lớp hoặc tự tra cứu.

Thứ hai, những người ở khu vực đó cũng có niềm tự hào vì tên danh nhân, sự kiện lịch sử được đặt nơi mình đang sống.

Thứ ba, nó giúp bộ mặt đô thị có bản sắc riêng, độc đáo và nên thơ. Du khách hoặc bất cứ người dân nào dù đi xe hay tản bộ đều sẽ thú vị với cách làm của chính quyền. Họ sẽ thấy những đường phố mang tên danh nhân, sự kiện lịch sử, địa điểm nổi tiếng đó được vinh danh một cách nghiêm túc, đầy trân trọng.

Làm được như thế, chúng ta không lãng phí một tài nguyên lớn về kiến thức lịch sử, tri thức văn hóa nghệ thuật cũng như cách thức tạo ra cho địa phương mình những nét riêng lôi cuốn. Chúng ta cũng đã biến những tấm bảng có phần vô cảm, chỉ đơn thuần mang tính xác định vị trí thành những câu chuyện sinh động là một cách ứng xử khoa học, văn minh với đô thị.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm