Gian lận thi cử: Những sự kỳ lạ đến khó tin

Sau khi sự kỳ lạ về điểm số của nhiều thí sinh trong kỳ thi THPT 2018 bị phanh phui, dư luận tiếp tục hứng những đợt sóng lạ kỳ nữa.

Đó là con số đại đa số những thí sinh nhận “điểm oan” này đều không có xuất thân từ “gia đình thường dân”.

Đó là việc một số chức sắc từng phát biểu hùng hồn về sự minh bạch, tinh thần trách nhiệm nhưng sau đó lại… bị dính bê bối bởi trách nhiệm.

Đó cũng là chuyện ông trưởng ban chỉ đạo kỳ thi THPT quốc gia tỉnh Sơn La năm ngoái lại tiếp tục được tin tưởng giữ ấn tín trong kỳ thi năm nay (và sau khi dư luận phản ứng thì vị trí này đã được thay người khác).

Các bị can trong vụ gian lận điểm thi tại Sơn La

Sự lạ lùng chưa chịu dừng lại khi mới đây, thông tin “chạy nâng điểm với giá hàng tỉ đồng” trong kỳ thi tai tiếng trên bỗng dậy sóng khi không ai thú nhận mình “chạy”. Tức bên này nói bên kia chi thù lao, bên kia lại bảo bên này “gắp lửa bỏ tay người”. Cứ như tình huống à ơi ví dầu, đưa qua đẩy lại như diễn trên sân khấu.

Theo đó, khai với cơ quan công an, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sơn La) thừa nhận đã thỏa thuận, nhận hơn 1 tỉ đồng từ ông TVD để giúp sửa bài, nâng điểm cho bốn thí sinh. Lúc bị phát hiện, bị can đã tự nguyện giao nộp số tiền trên cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên, ông TVD và người thân các thí sinh đều không thừa nhận đã đưa tiền cho Nga.

Tương tự, Đặng Hữu Thủy (cựu phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, Sơn La) khai sau khi sửa bài, nâng điểm cho bốn thí sinh đã nhận tổng số tiền 500 triệu đồng từ ba người phụ nữ. Khi bị khởi tố, Thủy đã giao nộp số tiền trên cho cơ quan điều tra. Tuy nhiên, những người phụ nữ được khai là đã giao tiền đều phủ nhận việc đưa tiền cho Thủy.

Hay như bị can Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng) khai được bà HTT đưa cho 440 triệu đồng để nâng điểm cho thí sinh DHT. Rồi giống như những phụ huynh ở trên, bà T. một mực nói không có cuộc ngã giá đó…

Đó chỉ là ba trong số nhiều ví dụ về nghi vấn giao dịch điểm bằng tiền ở riêng Sơn La. Câu hỏi đặt ra là nếu đúng các phụ huynh không chi tiền để “xem điểm” cho con em thì chả lẽ số tiền những bị can trên nộp tại công an là tiền của chính họ?

Tiền đâu mà lắm vậy? Xin lỗi, các vị ấy có đi buôn chổi đót hòng giàu nhanh thì cũng khó mà tình nguyện mở két sắt trong nhà khơi khơi như thế.

Vì các bằng chứng về sự “đi đêm” còn mơ hồ nên trên cơ sở của nguyên tắc suy đoán vô tội, có khả năng cơ quan công an khó xử lý những phụ huynh ấy. Tuy nhiên, những phụ huynh, đồng thời cũng là nhân vật có vị trí quan trọng trên quan trường kia liệu có tự cảm thấy mình vô can?

Họ là công chức, viên chức, đương nhiên phải làm theo các quy định về công chức, viên chức, trong đó có phẩm chất liêm khiết, ý thức trách nhiêm, tinh thần nêu gương… Vậy có thấy hổ thẹn chút nào khi tên tuổi mình lún sâu vào tai tiếng sửa điểm, nâng điểm?

Đối với gia đình, họ thấy mình xứng đáng ra sao khi là phụ huynh của những thí sinh có điểm số đáng xấu hổ?

Đối với chính họ, hãy thành thật với lương tâm một lần, thử soi gương để xem mình đã là một người tử tế chưa? Ít nhất là tử tế với sự thật…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm