Gian lận điểm thi, học sinh là nạn nhân hay thủ phạm?

Trong cuộc điều tra về các vụ gian lận trong thi cử vừa qua có nhiều ý kiến cho rằng các em học sinh chưa nhận thức đầy đủ và nên giữ tính nhân văn để tạo cơ hội phát triển cho trẻ. Điều này đặt ra câu hỏi các học sinh trong những vụ gian lận điểm thi là nạn nhân hay là thủ phạm? Và việc không công bố vi phạm thi cử liệu có tốt cho họ?

Các nhà trường, các cơ sở giáo dục hay các tổ chức xã hội đã cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin đã giành rất nhiều nguồn lực giúp đỡ học sinh trong thi cử. Các giúp đỡ này có thể đến từ việc thu thập thông tin của các trường đại học như thống kê điểm đầu vào các năm, hay tư vấn lựa chọn các ngành học phù hợp với năng lực chuyên môn cũng như sở thích của từng em học sinh. Rất nhiều những cuộc thi thử để đánh giá năng lực để các em biết được lượng kiến thức của mình, xác định được khoảng điểm mình có thể đạt được để từ đó ra các quyết định lựa chọn nghề nghiệp trường học phù hợp với năng lực và sở thích. Có thể nói các em học sinh đã được cung cấp rất đầy đủ các thông tin để biết mình biết trường từ đó ra được các quyết định lựa chọn đúng đắn nhất.

Từ dữ liệu kết quả điểm thi bất thường, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tìm ra nhiều sai phạm trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Hoà Bình.

Vì vậy, các em chắc chắn biết học lực của mình, ngay sau khi họ làm bài thi đại học, họ cũng có thể ước lượng tương đối chính xác điểm số của mình. Vì vậy việc các em không biết mình bị hay được sửa điểm là hoàn toàn không thuyết phục. Đặc biệt có những trường hợp có em được sửa điểm với điểm số chênh lệch lên đến hơn 20 điểm thì lại là một trường hợp đặc biệt để nhận biết. Tuy vậy, các em đã không lên tiếng, mà sẵn sàng đón nhận các kết quả thi không phải của mình. Nếu biết trước các em chính là đồng lõa, nếu biết năng lực của mình không thể đạt điểm số như công bố mà không lên tiếng, cũng có nghĩa là các em không tố giác tội phạm, hay chính các em là đồng phạm của việc sửa điểm này. Từ đó các em chiếm vị trí của các bạn có học lực tốt hơn có năng lực và thi được điểm cao hơn.

Có thể với tuổi của các em, nó sẽ là một cú sốc, sự việc này có thể làm cho các em đi chệch hướng nếu bản lĩnh của cá nhân các em và sự giáo dục của gia đình không đầy đủ. Nhưng ở chiều ngược lại các em sẽ trở thành người như thế nào nếu cứ im lặng và bước tiếp?

Một số em thậm chí đã có những phát biểu khẳng định điểm số của mình. Một số khác đã chuẩn bị con đường du học. Thống kê cho thấy các em được sửa điểm đều đa số là các gia đình có điều kiện, liệu đây có là một ngẫu nhiên hay không? Những tuyên bố như thế là một minh chứng các em không hề hối hận về hành vi của mình. Khi các em trưởng thành sẽ trở thành một thế hệ công dân không chuẩn mực. Bởi vậy không công bố gian lận thi cử thì việc xử phạt không có tác dụng, thậm chí đôi khi còn có tác dụng ngược không giúp đỡ được cho các em.

Điều này rõ ràng mâu thuẫn với một thanh niên khác khi ngân hàng chuyển nhầm vào tài khoản mình một số tiền lớn đã rút, tiêu xài đã bị bắt để điều tra và có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu không được công khai, không minh bạch thì nền giáo dục tiếp tục bị đặt dấu hỏi về giá trị và tính chính trực. Khi ấy chính các em, và những thế hệ tiếp theo sẽ là nạn nhân của một môi trường xã hội, một nền giáo dục với nhiều trục trặc. Những tiêu cực trong xã hội tiếp tục thấm vào học sinh các thế hệ từ gia đình, nhà trường và xã hội hình thành những tính cách vô cảm để ung dung thụ hưởng thành quả không phải của mình. Làm suy giảm giá trị của xã hội cũng như khả năng cạnh tranh và vươn lên của dân tộc Việt chúng ta.

Bởi vậy việc xử lý các sai phạm trong thi cử, trả các em về với gia đình, xử phạt những người vi phạm, hay cải cách phương pháp thi để hạn chế việc gian lận nếu thành công chỉ giải quyết phần ngọn. Gốc rễ của vấn đề là những người vi phạm nhận thấy sai lầm để sửa chữa góp phần xây dựng một xã hội với nền tảng tốt, chuẩn mực mà ở đó mỗi người cán bộ, hay người dân đều chính trực và thượng tôn pháp luật. Xã hội đó cần một hệ thống giáo dục tốt, từng gia đình được giáo dục thật tốt, họ rèn luyện các thế hệ con cái mình để đào tạo những thế hệ công dân tương lai đất nước sánh vai cường quốc năm châu như ý nguyện của Bác Hồ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm