Đứa trẻ 10 tuổi, tiếng súng và trách nhiệm của chúng ta

Mấy hôm nay, báo chí đưa tin nhiều về sự việc một đứa trẻ nam 10 tuổi (ở huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) nghi nổ súng làm bị thương 3 người trong nhà chị ruột của mình.

Em mồ côi cha, còn mẹ đi lấy chồng khác. Do không có ai chăm sóc, em phải đi làm thuê và sống lang thang, trộm cắp vặt, lấy đồ ăn thừa tại các nhà rẫy ven rừng xã Đak Kơ Ning để sống qua ngày. Bị chị gái la mắng, em đã có hành động vô cùng dại dột, nguy hiểm như trên.

Mấy hôm nay, tôi và nhiều đồng nghiệp làm công tác xã hội rất trăn trở về câu chuyện này.

Chòi rẫy của gia đình chị gái ở Gia Lai nơi xảy ra thảm cảnh thương tâm. Hình: LQL

Có quá nhiều điều giá như!

Một đứa trẻ bị bỏ rơi, ngược đãi và phải tự kiếm sống, vật lộn với sự khắc nghiệt của xã hội như em cần được nhìn thấy, phát hiện sớm và giúp đỡ.

Giá như gia đình, xã hội không để một đứa trẻ phải bị bỏ lại phía sau một mình như vậy.

Giá như có những dịch vụ sẵn sàng đáp ứng, chữa lành tổn thương cho một đứa trẻ như em...

Trường hợp của cháu bé 10 tuổi ở Gia Lai này đã được Điều 10 Luật trẻ em dự liệu. Theo đó, điều luật này xem đây là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, cần có sự bảo vệ, chăm sóc đặc biệt.

Tôi rất tiếc và không hiểu vì sao các dịch vụ bảo vệ trẻ em tại Gia Lai không phát hiện để trợ giúp sớm cho em. Giá như em được phát hiện sớm, được chăm sóc, được chữa lành, được sống trong sự bao dung thì tôi tin rằng em sẽ không bị đẩy đến bước đường trở thành người bị nghi là nổ súng bắn vào gia đình ruột thịt của mình.

Báo chí cần thận trọng hơn

Một số tít báo đã gọi em là hung thủ. Báo chí đưa hình ảnh được dàn dựng để chụp “hung thủ” đứng bên cạnh khẩu súng và kế tiếp là một chiến sĩ công an, mặc dù khuôn mặt em đã được xử lý che mờ.

Lẽ ra các bên liên quan hiểu biết, tôn trọng luật pháp và quyền trẻ em hơn. Luật pháp quy định một người chỉ có tội khi bị toà án tuyên có tội bởi một bản án có hiệu lực pháp luật. Nhưng không, tôi lại đang thấy báo chí đăng theo hướng xác định em là hung thủ, trong khi chỉ nên nói ở mức là thuộc diện tình nghi, nghi phạm hay nghi can hay người bị cho là có liên quan.

Điều đó có thể góp phần tạo thêm một vết thương tinh thần nữa cho đứa trẻ đã sống với quá nhiều nỗi đau này.

Mặt khác, theo quy trình tố tụng với trẻ em, bất kỳ cuộc làm việc nào giữa trẻ em và cơ quan, người tiến hành tố tụng phải có sự chứng kiến của người giám hộ. Trong trường hợp của em, mẹ và chị có xuất hiện khi cơ quan chức năng làm việc với em không? Nếu không thì cơ quan chức năng có cử người giám hộ thay thế cho em?

Một điều nữa mà tôi thấy rất xót xa là hình ảnh đứa trẻ đứng bên khẩu súng cao hơn người em được chiến sĩ công an minh hoạ. Ảnh đó chụp để làm gì? Vì sao phải chụp? Đưa lên mặt báo để làm gì? Người giám hộ của em có cho phép chụp hay không, có cho phép đưa lên báo hay không?...

Đó là những câu hỏi mà tôi cứ lẩn quẩn mãi bên cạnh những điều giá như. Giá như người lớn đừng dàn dựng để chụp ảnh khiến nó sẽ lưu lại vĩnh viễn trên internet, trở thành nỗi đau gợi nhớ cho một đứa trẻ. Giá như những người bảo vệ pháp luật biết tôn trọng quyền của một đứa trẻ bị tình nghi. Giá như người viết bài báo không lựa chọn đăng bức hình…

Cần chữa lành đứa trẻ

Chúng ta, những người lớn có thể làm gì lúc này để cứu cuộc đời của em? Trước hết, chúng ta đừng quy kết ngay rằng em là tội phạm. Chúng ta cần thêm nhiều tấm lòng bao dung trong xã hội để có thể dung nạp những thân phận yếu thế, cô độc như em, để một đứa trẻ có gia đình, có nơi chăm sóc, nuôi dưỡng, yêu thương.

Hơn lúc nào hết, em đang rất cần trợ giúp về tâm lý, giáo dục. Một gia đình hay một cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc, chữa lành và sống với các giá trị căn bản sẽ là cứu cánh của đời em.

Điều mà người lớn chúng ta cần làm và có thể làm là giúp đỡ những đứa trẻ như em bằng các dịch vụ chăm sóc thay thế, chữa lành các vết thương, nỗi đau bị ruồng bỏ, bù đắp các thiếu thốn về tình cảm, khơi gợi các giá trị sống.

Thông tin em được đưa về cơ Trung tâm bảo trợ xã hội của tỉnh Gia Lai khiến giới làm công tác xã hội của chúng tôi yên tâm phần nào. Hy vọng những tháng ngày tiếp theo, em sẽ được chữa lành.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

thanh niên 18 tuổi nhảy sông tự tử

Vấn nạn livestream bất chấp hoàn cảnh!

(PLO)- Vừa qua vụ việc nam thanh niên 18 tuổi nhảy sông tự tử được bàn tán xôn xao trên nền tảng livestream. Hành động này được cho là thiếu tình người, gây bức xúc. Cần có giải pháp xử lý để loại trừ.

Thói ngụy biện

Thói ngụy biện

(PLO)- Trong tất cả mọi việc, chỉ có phản biện, tranh luận một cách chân thành, thẳng thắn mới là con đường chân chính hướng tới và đi tìm chân lý. Trên con đường ấy, thói ngụy biện cần phải được dẹp bỏ.