Cuốc xích lô 2,9 triệu đồng và phản ứng nhanh của TP.HCM

Những ngày qua, báo chí, dư luận xã hội trong nước và cả quốc tế hết sức bất bình về việc ông Oki Toshiyuki, một du khách người Nhật bị lái xe xích lô chặt chém 2,9 triệu đồng cho cuốc xích lô từ chợ Bến Thành về khách sạn Liberty Central Saigon Riverside.

Quãng đường chỉ 1,6 km, giá bình thường khoảng 30.000 đồng đổ lại. Lái xe xích lô đã theo ông Oki suốt một quãng đường này để nài nỉ ông cụ thuê xe. Cảm kích trước sự tận tình của người chạy xích lô, vị du khách Nhật này đã trả 500.000 đồng, gấp 17 lần giá cước bình thường nhưng người lái xe vẫn không chấp nhận và đòi thêm tiền.

Đáng lẽ ông Oki hoàn toàn có thể từ chối việc này nhưng ông lại rất hào hiệp khi đồng ý trả thêm tiền. Thế nhưng nhân lúc ông cụ đang loay hoay mở ví tiền thì người chạy xích lô đã cho tay vào ví của ông và nhanh chóng lấy tiền trong ví với tổng số tiền 2,9 triệu đồng. Dù rất ngỡ ngàng, ông vẫn vui vẻ, không trách cứ người chạy xích lô mà nhận lỗi “Là tại tôi không hỏi giá trước”. Cách hành xử bao dung không chỉ thể hiện tình cảm tốt đẹp của ông dành cho Việt Nam mà còn toát lên những phẩm chất tuyệt vời của người Nhật, rất đáng để mọi người suy nghĩ và nhìn lại mình. Cám ơn và nể phục ông bao nhiêu, tôi lại trách và giận người chạy xích lô bấy nhiều.

Phải gọi đích danh hành vi trên của lái xe xích lô là ăn cướp chứ không phải chặt chém trong dấu ngoặc kép. Chặt chém chỉ là đòi thêm tiền, giỏi lắm gấp vài lần giá bán. Đằng này, lái xe đã tự tay vét sạch túi tiền của cụ ông Oki, số tiền gấp 100 lần giá cuốc xe thì không thể gọi là chặt chém được nữa. Rất may, chỉ vài ngày sau sự cố, công an đã tìm ra tên tuổi, nhân thân và địa chỉ của người lái xích lô để bảo vệ quyền lợi cho ông cụ Oki.

Chuyện sai phạm của người lái xích lô đã có cơ quan pháp luật xử lý. Hơn hết, vấn đề mà dư luận đang rất quan tâm là xử lý thế nào để những vấn nạn trên không tái diễn. Nạn chặt chém xảy ra khá thường xuyên và nhiều nơi ở Việt Nam. Phải chăng luật pháp chưa đủ sức răn đe nên cứ tái phạm dài dài? Chặt chém du khách thì phạt vài triệu, rồi đâu lại vào đấy. Mức phạt này là chưa đủ tính răn đe các đối tượng xấu. Theo tôi cần phải tăng mức chế tài, mức phạt gấp 100 lần tiền chênh lệch, khoản lợi bất chính thu được, nếu là tổ chức vi phạm thì cần rút giấy phép từ ngắn hạn đến vĩnh viễn tùy mức độ vi phạm thì mới mong dẹp được vấn nạn chặt chém.

Thêm vào đó, cần những liều thuốc đặc trị cho cả người vi phạm. Xích lô là một loại phương tiện rất đặc trưng của Việt Nam mà du khách quốc tế rất thích. Có lẽ đã đến lúc xích lô cũng cần đăng ký hành nghề, có bảng số và nhân thân người sử dụng. Đã có GrabBike, GrabCar, sao chưa có GrabBedicab (một ứng dụng xích lô trực tuyến)?

Sáng 7-8, Sở Du lịch TP.HCM đã tổ chức trao thư xin lỗi của lái xe Phạm Văn Dũng và tặng cặp vé khứ hồi đến cụ ông Oki Toshiyuki, thông qua người thân của ông. Đây là một việc làm đúng đắn nhưng chưa đủ. Các nhà quản lý về du lịch không thể cứ mãi rút kinh nghiệm từ sau những vụ việc và để điểm trừ cứ được cộng dồn trong mắt bạn bè quốc tế. Thiết nghĩ đại diện thành phố nên đến gặp con trai ông Oki để nhận lỗi, gửi lời xin lỗi và mời ông quay trở lại Việt Nam để chuộc lỗi. Là người độ lượng và thông minh, ông Oki sẽ hiểu thêm nhiều điều mà những người Việt tử tế đang làm để khắc phục những thiếu sót trong quản lý.

 Đây chính là cứu cánh cho nền du lịch của TP.HCM sau vụ việc này. Tôi tin với sự khắc phục kịp thời của chính quyền, những người như ông Oki sẽ là đại sứ ấn tượng của du lịch Việt Nam.

NGUYỄN VĂN MỸ, Chủ tịch Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm