Cộng phép năm cho người lao động…

Như một quy luật, trước và sau mỗi kỳ nghỉ lễ dài ngày, các tin tức về tình trạng giao thông xấu tại cửa ngõ các đô thị lớn lại ngập tràn trên các trang báo, mạng xã hội.

Câu chuyện về dòng người kéo dài hàng cây số, vất vả nhích từng chút giữa ì ầm tiếng động cơ, mịt mờ khói xe, bụi đường kèm những cái lắc đầu ngao ngán lại tái diễn. Rồi hình ảnh các chiến sĩ CSGT áo đẫm mồ hôi giữa trời chang nắng trong nỗ lực phân luồng không biết mệt mỏi… chính là những hình ảnh lặp lại một cách vừa buồn bã vừa chật vật từ dịp lễ này sang dịp lễ khác.

Tương ứng với phong trào tận hưởng thời gian nghỉ đó là các điểm du lịch chật kín người. Những nơi đó (bãi biển, khu sinh thái, địa danh nổi tiếng…) tưởng để nghỉ mát thì lại nóng rực bởi mật độ du khách quá lớn, bởi tình hình an ninh trật tự luôn trong trạng thái cảnh báo cao; dịch vụ nhà nghỉ, quán ăn được dịp ngang nhiên tăng giá vào mồ hôi công sức của bao người…

Lý do cho câu chuyện muôn năm cũ trên là tâm lý xả hơi sau nhiều ngày làm việc; là lý do tận dụng thời gian quý báu để về quê hay du lịch, từ đó gắn kết thêm mối liên hệ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp… Tất cả điều này khiến nhiều người tình nguyện là nạn nhân của sự “hành xác”.

Giải pháp cho mọi thực trạng tồi tệ là… xóa bỏ những nguyên nhân gây nên thực trạng đó - câu tổng kết trên nếu nhìn vào câu chuyện cụ thể này dường như rất có lý.

Bởi vấn đề đặt ra là theo quy định thì giỗ tổ Hùng Vương, 30-4, Quốc tế Lao động, Quốc khánh, Tết dương lịch đều được nghỉ một ngày… nhưng những dịp này thường người lao động được nghỉ dài hơn con số đó bởi họ được cộng dồn ngày cuối tuần và làm bù trước hoặc sau đợt nghỉ đó…

Sự sắp đặt thời gian nhằm đảm bảo quyền lợi được nghỉ cũng như tạo điều kiện tái tạo sức lao động như trên là điều rất đáng trân trọng của cơ quan nhà nước, song liệu đã thực sự hợp lý khi hệ quả của “tâm lý xả hơi” luôn hiển hiện như đã phân tích ở trên? Ngoài ra, trong bối cảnh mới chúng ta phải cân nhắc nhiều lợi ích khác nữa.

Được biết tại nhiều nước trên thế giới có quy định cứng về những ngày nghỉ trong năm, tức là chỉ nghỉ vào đúng ngày đó chứ không được nghỉ bù. Quy định như thế giúp người dân không quá bận tâm sắp xếp kế hoạch du lịch mỗi năm, giúp các điểm nghỉ dưỡng đón khách đều mà không gặp tình trạng đột ngột “nghẽn cổ chai” du khách. Điều này đồng thời giúp doanh nghiệp chủ động sắp xếp việc kinh doanh, sản xuất theo lịch đã ấn định.

Có lẽ tiếp thu tinh thần đó, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) có nhiều nội dung mới, trong đó Bộ LĐ-TB&XH nêu phương án không nghỉ bù dịp Tết nguyên đán. Tôi cho rằng những dịp khác như 1-5, Quốc khánh… cũng nên áp dụng như thế. Trường hợp những ngày này trùng vào thứ Bảy, Chủ nhật (được nghỉ theo quy định lâu nay) thì cộng thêm ngày nghỉ trùng đó vào số ngày nghỉ phép hằng năm. Ví dụ, người lao động có 12 ngày nghỉ phép mỗi năm, ta cộng thêm cho họ số ngày phép với số thứ Bảy, Chủ nhật ngẫu nhiên đúng vào các ngày lễ…

Như vậy, quyền lợi về thời gian nghỉ ngơi của người lao động không mất và mỗi người có thể sử dụng số ngày nghỉ phép năm của họ theo ý thích, sự tiện lợi, phù hợp nhất chứ không nhất thiết là muôn người đều dồn vui chơi vào một dịp.

Vì dự thảo đang được lấy ý kiến đóng góp của nhân dân nên thiết nghĩ ý kiến về giải pháp cho câu chuyện kẹt xe, “chặt chém” mỗi lần nghỉ dài ngày này cần được tính theo hướng đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm