Có cần luật hóa chuyện công chức ‘nịnh bợ’?

Việc “luật hóa” nịnh bợ đang gây nên những tranh cãi gay gắt những ngày qua. Cụ thể, dư luận đặt câu hỏi có thể và có cần thiết luật hóa hành vi nịnh bợ hay không, cũng như hiệu quả chế tài khi việc này được triển khai.

Nịnh hay nịnh bợ nói chung là hành vi dễ định nghĩa, song biểu hiện của nó thiên hình vạn trạng và do vậy rất khó “bắt”. Nịnh hay nịnh bợ tựu trung là việc dùng lời nói, hành động làm đẹp lòng người khác với mục đích nhận về sự khen tặng, đặc biệt nhận về sự đối đãi có lợi cho người có hành vi nịnh bợ.

Theo quan sát cá nhân, tôi biết có rất nhiều trường hợp cán bộ, công chức nịnh bợ cấp trên từ lộ liễu đến tinh vi. Có thể kể ra những biểu hiện điển hình như sau: Có trường hợp công chức ngày giỗ cha không nhớ nhưng lại có danh sách dài dằng dặc đám tiệc nhà các sếp thuộc “bề trên”; có cán bộ mẹ bệnh nhiều ngày không về thăm nhưng hễ nhà sếp nhất cử nhất động gì là lập tức có mặt. Hay câu chuyện thường được mang ra kể trong các buổi trà dư tửu hậu của cánh công chức địa phương là có một nhân viên lái xe cho một cơ quan song chiều nào cũng đến tưới cây, tỉa cành vườn nhà sếp... Lại có trường hợp khi hay tin sếp chuẩn bị cất nhà là thuộc cấp lập tức đi tìm kiến trúc sư thiết kế, thăm dò giá vật liệu xây dựng, thậm chí cả mời thầu chào giá thi công…

Bản thân từ nịnh bợ đã là sự sỉ nhục cán bộ, công chức. Song thực tế, đối với người (đã chấp nhận) nịnh bợ thì suy cho cùng ít nhiều họ đã “đánh rơi” lòng tự trọng và sự liêm sỉ tối thiểu. Nói cách khác, khi chấp nhận nịnh bợ, mặc định họ đã chấp nhận đánh đổi sự tự trọng với lợi ích bản thân và do vậy họ chẳng bận tâm việc có bị sỉ nhục hay không. Vấn đề đặt ra ở đây là rất khó chế tài một cá nhân có hành vi nịnh bợ do suy cho cùng, những hành vi của họ bản chất không vi phạm pháp luật. Sẽ chế tài ra sao khi một cán bộ, công chức sáng nào cũng kè kè cà phê với sếp hay chiều nào khi tan sở cũng đến tận nhà rước sếp đi đánh cầu lông? Gọi là thói quen, là chỗ thân tình cũng đúng mà cho là nịnh bợ cũng có vẻ không sai.

Vì lẽ đó, theo tôi, thay vì “luật hóa” nịnh bợ thì cần thực thi nghiêm các quy định có liên quan cán bộ, công chức nói riêng hay pháp luật nói chung. Theo đó, mọi công tác tuyển dụng, đề bạt, quy hoạch cán bộ, công chức cần được thực hiện một cách công khai, minh bạch và thực chất. Quan trọng hơn, trước những sai phạm nếu có xảy ra thì không giơ cao đánh khẽ, không “đánh tráo khái niệm”, không dẫn dắt dư luận nhằm bao che, phủ nhận cái sai mà ngược lại cần xem xét, xử lý khách quan, công khai, không có vùng cấm.

Làm được như vậy, tôi tin rằng tình trạng cán bộ, công chức tiêu cực tự khắc sẽ giảm thiểu và đẩy lùi thay vì cố gắng luật hóa một hành vi rất khó quy kết và chắc chắn sẽ dễ gây tranh cãi khi thực thi. Hành vi khó quy kết mà đem áp vào luật để rồi không xử lý được thì dễ dẫn đến tình trạng nhờn luật. Quan trọng hơn, luật hóa nịnh bợ cũng dễ thủ tiêu sự tử tế thực chất vốn rất cần song lại ngày càng khan hiếm trong cuộc sống ngày nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm