Chuyện phản ứng giá điện và đề nghị xử lý dân

“Kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội”.

Công luận ngạc nhiên về kiến nghị này. Kiến nghị này nếu được Thủ tướng đồng ý cho thực hiện thì sẽ gây nên những bất ổn hơn cả việc tăng giá điện. Còn nếu không được thực hiện, thì công luận hoàn toàn có thể đặt câu hỏi: Phải chăng đây là hành vi dọa dân, để dân không còn dám nói về việc tăng giá điện nữa?

Công luận ngạc nhiên về kiến nghị xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua...

Phản ứng giá điện- một phản biện xã hội cần thiết

Phải thừa nhận rằng: Khi một quyết sách, như việc tăng giá điện, ảnh hưởng trực tiếp đến “túi tiền” của người dân, thì phản ứng là điều hết sức tự nhiên. Cũng chính vì vậy mà phản biện xã hội được Trung ương ban hành một quyết định riêng. Phản biện của các cá nhân, tổ chức với chính sách của Nhà nước là yêu cầu không thể thiếu và có vai trò quan trọng. Đặc biệt, phản biện của các cá nhân, tổ chức góp phần khắc phục khiếm khuyết, hạn chế, bất cập của chính sách; nâng cao chất lượng, hiệu quả của chính sách; phát huy tối đa tính hữu dụng của công cụ chính sách trong quản lý, quản trị đất nước.

Lẽ ra, dù có những ý kiến khó nghe, thậm chí là xuyên tạc, thì nhiệm vụ của Bộ Công Thương là phải nói rõ, đưa ra các chứng cứ thuyết phục cho việc tăng giá điện. Đằng này, Bộ lại kiến nghị Thủ tướng giao bộ chuyên môn đi xử lý những người “dám” nêu lên ý kiến mà Bộ cho rằng không đầy đủ, gây kích động xã hội. Hẳn nhiên, những nghi ngờ về giá điện khi nó tác động trực tiếp đến dân sinh là điều không thể tránh khỏi. Và chỉ có sự minh bạch, công khai mới có thể phá tan những nghi ngờ ấy.

Phải thấy được rằng: Khi công luận vẫn còn nghi ngờ việc tăng giá điện thì đó chính là cơ hội để Bộ Công Thương và ngành điện có cơ hội giải trình và tăng năng lực thuyết phục công chúng của mình. Nếu không thể làm công chúng an tâm và đồng thuận, thì lỗi trước tiên phải thuộc về ngành điện và Bộ Công Thương, chứ không phải thuộc về “những cá nhân cố tình xuyên tạc” như văn bản kiến nghị của Bộ quy kết.

Nên công khai, minh bạch thay vì kiến nghị xử lý

Công khai, minh bạch giá diện! Không phải Chính phủ không nhận thức được việc ấy. Bằng chứng là ngay từ năm 2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 81 yêu cầu các DNNN phải công khai thông tin. Mà nghị định ấy nói rõ: “Việc công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước nhằm bảo đảm yêu cầu công khai, minh bạch về hoạt động của doanh nghiệp, bảo đảm tính hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước và của xã hội đối với doanh nghiệp nhà nước”.

Nghị định ấy còn quy định cụ thể 9 loại thông tin mà một DNNN như EVN phải công bố. Trong số đó, có những thông tin nếu được công bố chi tiết, thì chắc chắn công luận và chuyên gia sẽ đủ cơ sở để thấy được tăng giá điện có hợp lý hay không. Chẳng hạn những thông tin về Kế hoạch và kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm và ba năm gần nhất; Báo cáo thực trạng quản trị và cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp…

 Thực tế, dù hàng năm Bộ Công Thương đều tổ chức họp báo công bố Chi phí sản xuất kinh doanh điện, nhưng rõ ràng công chúng không có cơ sở để thẩm định, so sánh và giám sát.

Nếu các báo cáo ấy được công khai rộng rãi thì nhiều vấn đề của ngành điện cũng đã được nhìn ra. Chẳng hạn như điện sản xuất của nhà máy thủy điện Hòa Bình đạt kỷ lục 12,3 tỉ kWh, vượt tới 51,2% sản lượng theo thiết kế. Hay điện thương phẩm cũng đạt tới 192,93 tỷ kWh, vượt kế hoạch và tăng hơn 10% so với năm 2017… Hay những thông tin về chi phí đầu vào tăng như giá nhập khẩu than, dầu chênh lệch tỷ giá làm EVN phải tốn hơn 7.000 tỉ đồng cũng là những thông tin đáng chú ý.

Dĩ nhiên, báo cáo ấy cũng nêu ra những khó khăn, nhưng cũng nói rõ rằng, tập đoàn này đã cố gắng, nỗ lực hết sức hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra. Ấy thế nhưng, những thông tin ấy không hiểu vì sao chuyên gia và công luận rất khó tìm, mặc dù EVN, về nguyên tắc, đang hoạt động bằng tiền ngân sách.

Chính vì vậy, lẽ ra, Bộ Công Thương và EVN cần phải tập trung công khai, minh bạch các thông tin ấy chứ không phải là kiến nghị Thủ tướng xử lý những ý kiến phản ứng về giá điện cho dù những phản ứng đó được cho là không đầy đủ, khách quan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm