3 lý do cần cân nhắc về việc nâng tuổi nghỉ hưu

Điều đáng quan tâm là việc Bộ LĐ-TB&XH đã đưa ra phương án tăng tuổi nghỉ hưu mà theo đó, tuổi nghỉ hưu của lao động nam sẽ là 62 và của lao động nữ là 60.

Theo lập luận của Bộ LĐ-TB&XH thì việc tăng tuổi nghỉ hưu dựa trên hai lý do chính: Hiện nay tuổi thọ trung bình của người Việt Nam (VN) đã tăng lên, trong đó tuổi thọ trung bình của nam là 72,1 tuổi và của nữ là 81,3 tuổi; tăng tuổi hưu cũng còn vì VN đang bắt đầu đối diện với tình trạng già hóa dân số, lực lượng lao động VN không quá dồi dào như các đánh giá thông thường và sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu hụt trong tương lai.

Theo chúng tôi, việc dựa trên tuổi thọ bình quân để tăng tuổi nghỉ hưu là điều cần suy xét thêm bởi các lý do sau:

Một là tuổi thọ cao chưa chắc là bằng chứng cho thấy sức khỏe của người dân cũng tăng. Cụ thể là theo các nghiên cứu cho thấy dù chúng ta đã có nhiều thành tựu trong chăm sóc sức khỏe nhưng tầm vóc và thể lực của người VN chậm cải thiện và thấp hơn so với trung bình của nhiều quốc gia trong khu vực. Số liệu cho thấy chiều cao của nam và nữ thanh niên VN hiện thấp hơn chuẩn chung là trên 10 cm và trong 30 năm qua người VN chỉ cao thêm có 3 cm, tức 10 năm chỉ cao thêm được 1 cm mà thôi. Vì thế, nếu chỉ tăng tuổi nghỉ hưu dựa vào tuổi thọ thì chưa thấu đáo mà còn phải tính đến tầm vóc, thể lực của người VN nữa.

Hai là việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần phải tính đến năng suất lao động của người lao động và khả năng đáp ứng với yêu cầu của thị trường lao động nữa, bởi độ tuổi càng cao thì sẽ càng ảnh hưởng không tốt đến năng suất lao động trong nhiều loại hình lao động. Tuổi càng cao thì sức khỏe sẽ giảm đi, tính nhanh nhạy trong thao tác cũng kém đi và do đó sẽ khó làm việc trong môi trường lao động cường độ cao, dẫn tới không thể trụ được trong thị trường lao động. Ta thấy rõ điều này qua kết quả nghiên cứu của Viện Công nhân và Công đoàn cho thấy tuổi lao động bình quân của người lao động VN đang giảm dần và những ngành nghề có tuổi lao động bình quân thấp nhất là điện - điện tử (26,9 tuổi), dệt may - giày da (29,5 tuổi) và chế biến - chế tạo (30,9 tuổi). Như vậy, đối với những ngành nghề này, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ không phù hợp và sẽ làm khó cho người lao động.

Ba là cần nhớ rằng thị trường lao động không phân biệt độ tuổi. Tức là những đòi hỏi của thị trường lao động đối với tay nghề, sức khỏe, năng suất là như nhau đối với mọi người lao động. Những yêu cầu, đòi hỏi của từng loại công việc đối với người lao động trẻ và người lao động lớn tuổi là như nhau. Đây là một thách thức cần được tính đến khi kéo dài độ tuổi lao động.

Do đó, việc tăng độ tuổi nghỉ hưu là cần thiết nhưng cần phải tính toán thêm về các yếu tố như thể trạng, tầm vóc và những yêu cầu của thị trường lao động chứ không chỉ dựa trên tuổi thọ hay bắt chước theo các nước khác một cách máy móc được.

LÊ MINH TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm