3 góp ý về cách đón tiễn ở sân bay Tân Sơn Nhất

Trong thời gian qua, đã có nhiều ý kiến tranh cãi khi Sân bay Tân Sơn Nhất tổ chức lại giao thông nội bộ. Trong đó, bố trí bắt buộc khách hàng phải lên tầng 3-4-5 của nhà xe ở phía đối diện nhà ga quốc nội nếu muốn bắt xe công nghệ.

Dư luận phản ứng việc này là phân biệt đối xử với xe công nghệ, ưu tiên taxi truyền thống hay bắt chẹt các hãng xe công nghệ phải mua nhượng quyền kinh doanh vận tải nội bộ cảng hàng không...

Sự than phiền này còn đề cập đến sự khó khăn khi di chuyển lên tầng cao do thang máy quá tải. Nhiều người phải leo thang bộ với đồ đạc, hành lý lỉnh kỉnh.

Vì cái chung, cần thay đổi thói quen

Trong một tiết đứng lớp về Lịch sử văn minh thế giới, tôi nhớ bản thân đã nói với sinh viên: “Muốn xuất hiện văn minh thì cần có nhiều yếu tố, trong đó yếu tố con người rất quan trọng”.

Từng thời kỳ, tiêu chuẩn của văn minh có thể thay đổi. Nhưng nhìn chung, ứng xử văn minh là cách chấp nhận sự thay đổi thói quen cũ của bản thân vì sự phát triển chung của cả xã hội.

Trở lại với câu chuyện về phân luồng giao thông ở Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dư luận dường như đang phản ứng theo một lẽ rất bình thường. Họ phản ứng vì điều chỉnh tác động trực tiếp đến lợi ích của họ, khi tham gia hoạt động di chuyển nội cảng ra bên ngoài.

Hành khách khó chịu bởi thang máy của nhà xe không đủ để đáp ứng nên nhiều hành khách phải xếp hàng chờ rất lâu mới đến lượt, nhiều hành khách phải xách vali leo thang bộ lên tầng cao để bắt xe, thiếu người hướng dẫn... Những người phải vác hành lý, có con nhỏ đi cùng rất khó thích ứng với thực tế này.

Theo quy định mới được áp dụng ngày 14/11, hành khách muốn đón xe công nghệ như Be, Grab... sẽ phải đón xe tại tầng 3 và 4 của nhà xe tại ga quốc nội. Ảnh: ĐÀO TRANG

Trước đó, cảng này cũng đã phân luồng nhiều lần nhưng không đạt kỳ vọng vì nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan. Bao gồm cả sự thiếu chấp hành nghiêm chỉnh của các tài xế, hành khách.

Sự thiếu chấp hành ở tài xế, hành khách cũng dễ hiểu vì thói quen cũ giờ lại bị xới tung để buộc theo một thói quen mới. Tuy nhiên, trong một xã hội văn minh thì yếu tố vì cái chung, vì mọi người nên được tuân thủ.

3 điều kiện cần

Sân bay các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng có những quy định rất khác nhau cho việc đón tiễn, áp dụng cho xe ô tô cá nhân, taxi, xe công nghệ. Và dĩ nhiên hành khách buộc phải tuân thủ vì lý do an ninh, an toàn. Thường thì tôi sẽ hỏi người hướng dẫn ở sân bay để nắm được quy định này, để tránh đón xe nhầm làn, sai vị trí dẫn đến bị phạt.

Tôi có cơ hội đến Indonesia nhiều lần, đến nhiều sân bay quốc tế lẫn quốc nội thì mỗi sân bay lại có quy định riêng về việc đón tiễn khách đối với các loại xe này. Chẳng hạn như tại sân bay quốc tế Adisucipto (ở Đặc khu Jogjakarta), khi mà các taxi dễ dàng bắt khách ở ngay cửa ra ga đến thì gần như không thấy bóng dáng của chiếc xe công nghệ nào. Lý do bởi xe công nghệ không được phép đón khách bên trong.

Hoặc sân bay quốc tế Changi (Singapore) cũng có các quy định về điểm đón khách. Với đất nước “đi đâu cũng có thể bị dính phiếu phạt” thì sẽ chẳng có tài xế nào dại đón khách sai vị trí. Changi có 4 nhà ga thì cũng có tương đương chừng đó điểm đón. Tùy theo nhà ga mà điểm đón gần hoặc xa cửa ra. Tuy nhiên, sân bay này bố trí hợp lý và hướng dẫn đầy đủ… nên ai cũng tuân thủ.

Sân bay quốc tế Kuala Lumpur (Malaysia) cho phép khách đón xe công nghệ nhưng phải lên đúng vị trí quy định. Các thao tác đặt xe, khách hàng tự thực hiện trên ứng dụng và có hướng dẫn kỹ. Sân bay quốc tế Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan) cũng có quy định vị trí tương tự.

Sân bay quốc tế Ninoy Aquino (Manila, Philippines) bố trí quầy đón riêng cho xe công nghệ. Tại các điểm đón này sẽ có người của hãng tư vấn, đặt xe hộ. Mô hình này có thể áp dụng ở cảng Tân Sơn Nhất để nâng cao sự hài lòng của hành khách.

Trên đây là một số ví dụ trong các chuyến di chuyển của tôi đến các nước trước khi có dịch COVID-19. Các ví dụ điển hình này cho thấy việc sắp xếp vị trí đón của các loại xe ở sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết nhưng cần 3 điều kiện quan trọng là có hướng dẫn rõ ràng, trang bị đầy đủ thang máy, có người hỗ trợ để tránh nhiễu loạn.

Tôi tin rằng tất cả các hành khách, tài xế sẽ vui vẻ chấp nhận theo quy định đón tiễn mới tại sân bay Tân Sơn Nhất nếu nơi này đáp ứng được các điều kiện cần nêu trên.

Về tác giả Dy Khoa

3 góp ý về cách đón tiễn ở sân bay Tân Sơn Nhất ảnh 2
Dy Khoa là một travel storyteller (người kể chuyện du lịch) được yêu thích bởi góc nhìn khác biệt trong các chuyến đi.
Anh còn là tác giả của cuốn sách “Đi qua hai mùa dịch” tạo được tiếng vang khi kể về hai lần trải nghiệm với đại dịch cúm A/H1N1 và COVID; góp phần lan tỏa thông điệp tích cực vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm