Xử lý thầy đánh trò: Đâu là công bằng?

Chỉ trong 10 ngày đã có đến mấy vụ thầy cô giáo đánh học sinh (HS) nhưng mỗi nơi lại áp dụng quy định khác nhau để xử lý.

2 vụ, 2 kiểu xử lý

Chuyện thứ nhất: Ngày 12-10, một cô giáo lớp 3 ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, do HS nói chuyện trong giờ ngủ trưa, dù đã nhắc nhiều lần nhưng em không vâng lời nên cô đã phạt đánh vào vai lúc HS này nằm sấp. Chiếc móng tay dài của cô trượt vào má HS. Cô giáo bị xử phạt 5 triệu đồng với lỗi “xâm phạm thân thể người học” theo khoản 2 Điều 21 Nghị định 138/2013.

Chuyện thứ hai: Ngày 21-10 (bảy ngày sau chuyện thứ nhất xảy ra), một HS lớp 8 ở Thanh Hóa trong lúc chơi đùa đã ném chai nước từ tầng 2 xuống sân trường, suýt trúng thầy giáo. Em HS đã bị thầy tát, đấm, đá vào bụng khiến phải vào trạm y tế xã với một số vết thương trên người. Thầy giáo trên đã bị xử phạt 2 triệu đồng lỗi “xâm hại đến sức khỏe của người khác” theo điểm e khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013.

Ấy là chưa kể một ngày sau vụ ở Thanh Hóa lại xảy ra chuyện ở Huế, thầy chủ nhiệm dùng thước gỗ đánh sáu HS đến bầm tím đùi, mông đến mức các em không ngồi được, phải đi khập khiễng. Thầy giáo này bị kỷ luật cảnh cáo.

Nguyên tắc trong xử lý vi phạm hành chính là “Việc xử phạt vi phạm hành chính được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật”. Vậy tính “công bằng” và “đúng pháp luật” khi xử lý các vụ việc trên có hay không?

Nam sinh lớp 8 ở Thanh Hóa được điều trị vết thương tại trạm xá sau khi thầy đánh. Ảnh: QD

Không phục thì khó tin

Hai câu chuyện vừa nêu cho thấy việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Sự không công bằng cũng thể hiện khá rõ ràng. Hành vi của cô giáo được cho là không cố ý gây ra vết thương trên má của HS và hậu quả của hành vi không quá lớn. Nó chỉ lớn chuyện khi mẹ của HS (cũng là giáo viên) xông vào trường hành hung cô giáo và gây rối. Trong khi đó, hành vi của thầy giáo ở Thanh Hóa là cố ý gây thương tích bằng cú tát vào mặt, đấm, đá vào bụng HS dù HS đã xin lỗi và rõ ràng là có thương tích. Ấy vậy mà cô giáo bị phạt nặng hơn thầy.

Sự không đúng pháp luật cũng rõ vì chắc chắn không thể có chuyện hai sự việc có tính chất tương tự nhau cùng xảy ra trong môi trường giáo dục, cùng do giáo viên thực hiện và người bị xâm phạm đều là HS nhưng lại áp dụng hai quy định khác nhau để xử lý. Đúng ra, các trường hợp này đều phải áp dụng Nghị định 138/2013 để xử lý vì đây là quy định chuyên ngành đã được xác định là áp dụng riêng trong lĩnh vực giáo dục. Mặc dù nghị định này còn có nhiều điều chưa ổn (Xem bài “Giá của cái tát” ngày 21-10 trên báo in hoặc địa chỉ plo.vn - tòa soạn) nhưng đó vẫn đang là quy định có hiệu lực thi hành trong thời điểm hiện nay. Trong khi đó, Nghị định 167/2013 áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình. Chuyện xảy ra trong môi trường giáo dục mà áp dụng lại quy định này thì rõ là không ổn.

Nhìn rộng ra, đây không phải là trường hợp cá biệt áp dụng pháp luật không thống nhất. Có thể người áp dụng pháp luật, người thực thi công vụ sinh tâm lý dễ dãi với chính mình - cho phép mình hành xử tùy tiện; hoặc lười biếng không cập nhật các quy định mới để áp dụng cho đúng. Nhưng điều này khiến người dân chấp hành pháp luật trong tâm thế không tâm phục khẩu phục, cảm thấy ấm ức hoặc thậm chí đôi khi mất lòng tin. Ít nhất họ không tin vào người đang thực thi, xử lý công vụ, sau đó là không tin tưởng vào hệ thống các quy định được Nhà nước ban hành. Liệu cô giáo ở Đà Nẵng lỡ tay làm học trò trầy xước má có thấy cay đắng và cảm thương cho chính mình khi bản thân nhận hình phạt quá nặng trong khi các đồng nghiệp tỉnh khác “may mắn” hưởng mức chế tài nhẹ hơn?

Thật ra, với hệ thống pháp luật khá phức tạp như luật Việt Nam thì việc áp dụng, thực thi pháp luật không hề đơn giản. Nhưng không phải vì thế mà mỗi địa phương, mỗi tổ chức, mỗi người có thẩm quyền xử lý lại áp dụng pháp luật khác nhau trong các vụ việc tương tự nhau.

• Đầu tháng 10, em Lo Vi Đăng, HS lớp 4 Trường Tiểu học Kim Lâm (xã Thanh Sơn, Thanh Chương, Nghệ An), do không làm được bài tập đã bị thầy chủ nhiệm dùng thước đánh vào mông. Bệnh viện xác định em Đăng bị tổn thương phần sụn của xương chậu.

• Ngày 25-5, ông Nguyễn Thanh Liêm, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè, khẳng định huyện đang chỉ đạo ngành chức năng vào cuộc làm rõ việc cô giáo NTTL của Trường Mầm non thị trấn Cầu Kè đánh, tát mạnh vào miệng HS, bị đưa clip lên mạng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.