Xử lý nặng người khai gian hồ sơ nhà

Thời gian qua, có không ít vụ việc người thuê nhà trong một thời gian dài đã qua mặt chủ nhà rồi kê khai để được cấp giấy chủ quyền. Cũng không ít vụ, dù việc mua bán chuyển nhượng không thành nhưng người mua cũng “biến hóa” để tài sản trên thuộc về mình.

Dĩ nhiên, những vụ này, sau khi bị phát hiện thì các giấy tờ đã cấp đều bị thu hồi hủy bỏ. Xét về mặt hành chính, đây cũng được xem là biện pháp chế tài duy nhất áp dụng với người có hành vi gian dối nêu trên bởi hiện nay, luật còn lỗ hổng. Điều này có lẽ chưa thật sự tương xứng với hành vi vi phạm của người có “tà ý” bởi nó đã gây nên rất nhiều hệ lụy.

Chẳng hạn như trước đây, ở TP.HCM cũng có vụ người thuê nhà sau khi được cấp giấy chủ quyền nhà đã đem tài sản đi thế chấp. Vụ việc đổ bể, ngân hàng, người đi vay phải kéo nhau ra tòa giải quyết hậu quả. Trong đó, người chủ nhà bị kéo vào với tư cách người liên quan, phải cực nhọc hầu tòa dù lỗi chẳng phải của họ. Tôi còn nhớ phải qua năm, sáu phiên tòa thì mới ổn.

Theo tôi, ngoài việc thu hồi giấy đã cấp trái pháp luật thì cần có thêm những biện pháp chế tài để răn đe, phòng ngừa chung. Trước hết, cần bổ sung những quy định xử phạt hành chính với hành vi này. Thường thì không ít người tự kê khai những điều không đúng sự thật vào hồ sơ để qua mặt chính quyền như nhà không tranh chấp, nhà mua giấy tay đã lâu… Cán bộ địa phương nếu làm cẩu thả thì sẽ bị lừa ngay. Mức xử phạt cụ thể ra sao thì tôi chưa đưa ra được ở đây nhưng nhất thiết phải đủ nghiêm để cho những người có ý định xấu sẽ chùn tay.

Thứ hai, nếu phát hiện trong hồ sơ có những giấy tờ do cơ quan nhà nước cấp bị làm giả thì cần phải xem xét về mặt hình sự với tội danh làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức (Điều 267 Bộ luật Hình sự). Điều luật này chỉ rõ người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân thì bị phạt tiền 5-50 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm… Qua trao đổi với một số cán bộ quận, huyện, họ cho biết với nhiều trường hợp phát hiện giấy cấp sai, họ chỉ thu hồi mà không truy cứu chuyện làm giấy tờ giả. Theo tôi, cần phải làm nghiêm hơn chứ nếu không sẽ bỏ lọt tội phạm, người vi phạm thấy không bị xử lý gì thì nảy sinh tâm lý coi thường pháp luật.

Cuối cùng tôi cho rằng địa phương cần phải kiểm tra, xác minh kỹ lưỡng khi cấp giấy tờ nhà, đất cho người nào đó. Địa phương là người gác cổng, nếu để lọt lưới thì cũng phải gánh một phần trách nhiệm. Có sự cộng đồng như vậy thì trách nhiệm công vụ mới cao được!

Luật sư MAI THANH TÂM, Công ty Luật Mai Trần

 

Có dấu hiệu tội không chấp hành án

Trong một số trường hợp, người thuê đang phải thi hành án giao trả nhà cho người thuê nhưng họ không thi hành mà cố tình làm hồ sơ để được cấp giấy chủ quyền. Đây là hành vi cố ý không chấp hành bản án, có dấu hiệu của tội không chấp hành án (Điều 304 Bộ luật Hình sự). Theo quy định, người nào cố ý không chấp hành bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm...

Luật sư TRẦN NGỌC QUÝ, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm