Xử lý cả hành khách và nhân viên xe buýt vi phạm

Ngày 4-8, báo Pháp Luật TP.HCMcó bài viết “Nữ tiếp viên bị đánh bầm mắt vì nhắc khách mở nhạc nhỏ”, phản ánh sự việc một nam hành khách tấn công, đánh vào mắt nữ nhân viên xe buýt khi được nhắc nhở mở nhỏ nhạc.

Sự việc trên một lần nữa phản ánh mối quan hệ từ lâu chưa mấy tốt đẹp giữa nhân viên xe buýt và hành khách.

Báo Pháp Luật TP.HCM gửi đến bạn đọc ý kiến của những người trong cuộc về vấn đề này.

Bên nào cũng khổ

Chị THA, nhân viên soát vé xe buýt tuyến Công viên 23/9 - Bến xe Miền Đông, than phiền không ít lần chị bị hành khách cau có, quát mắng khi nhắc nhở những chuyện rất nhỏ như mua vé, không xả rác trên xe… Nhưng dù bị khách mắng thì nhân viên xe vẫn phải niềm nở phục vụ.

“Phần lớn khách rất ý thức chấp hành các quy định khi đi xe. Tuy nhiên, cũng có nhiều khách chưa tuân thủ. Nhân viên nhắc nhở, nếu khách hiểu thì mừng, còn khách mắng lại thì chỉ biết bỏ ngoài tai” - chị A. nói.

Làm nghề lái xe buýt, anh LVH, tuyến quận 1 - chợ Bình Điền, cũng đã quen với việc bị người đi xe trách móc.

“Ai cũng nói chúng tôi là hung thần xe buýt nhưng những lần hành khách gây rối cũng là nỗi sợ của chúng tôi” - anh H. phân trần.

Chị Nguyễn Thị Cầm, người thường xuyên đi xe buýt lại than phiền: “Có lần tôi đi xe buýt từ ngã tư Hàng Xanh đến chợ Bà Chiểu. Tài xế vừa chạy xe rất nhanh vừa mở nhạc. Khách nhắc thì tài xế hét lớn: “Ngồi im!””.

Bạn Trần Anh, sinh viên năm nhất kể: “Nhiều lần khi thấy tôi và nhiều sinh viên đứng đông ở các trạm chờ, tài xế lại lái xe buýt đi mà không dừng lại, có thể do chúng tôi được giảm giá vé. Lần khác, trên xe rất nóng và nhiều hành khách yêu cầu mở máy lạnh thì bị nhân viên quát lại: “Đừng đòi hỏi!””.

Những vụ việc nhân viên xe buýt bị hành khách la lối, hành hung trên xe. Ảnh: Cắt từ clip

Có chế tài cho cả hai

Ông Phạm Vương Bảo, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ giao thông công cộng - Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM (gọi tắt là trung tâm), cũng nhận định phần lớn hành khách đi xe buýt đều thực hiện đúng quy định nhưng cũng có những hành khách gây rối.

“Đối với hành khách có dấu hiệu gây rối trật tự trên xe buýt, nhân viên xe được từ chối phục vụ, mời hành khách xuống xe” - ông Bảo cho biết.

Trường hợp hành khách không đồng ý xuống xe và tiếp tục gây rối hoặc hành hung nhân viên, tài xế thì tài xế sẽ điều khiển xe đến trụ sở công an gần nhất để được hỗ trợ xử lý theo pháp luật.

Về phía chế tài dành cho nhân viên, tài xế xe buýt, ông Hà Lê Ân, Phó Giám đốc trung tâm, cho biết đã có biện pháp xử lý nghiêm.

Theo ông Ân, nếu nhân viên, tài xế có hành vi thiếu văn minh, lịch sự; không hướng dẫn hành khách ngồi đúng vị trí; không hỗ trợ, giúp đỡ hành khách là người lớn tuổi, phụ nữ mang thai, trẻ em lên xuống xe sẽ bị xử phạt 200.000 đồng, đây là mức phạt thấp nhất.

Mức phạt cao nhất là 3 triệu đồng đối với các nhân viên, tài xế có hành vi hành hung hành khách, người đi đường. Đồng thời, tùy theo mức độ vi phạm, người vi phạm sẽ bị tạm đình chỉ công việc hoặc buộc thôi việc.

Tài xế, nhân viên phải học văn hóa ứng xử

Trung tâm và các doanh nghiệp vận tải thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng tài xế, nhân viên phục vụ trên xe buýt.

Tại các lớp tập huấn, nhân viên và tài xế sẽ được học văn hóa ứng xử - giao tiếp, kỹ năng kiểm soát hành vi, kiềm chế cảm xúc nhằm trang bị kỹ năng phục vụ chuyên nghiệp.

Về phía hành khách, trung tâm có những thông tin, hướng dẫn cụ thể về các quy định của hành khách khi đi xe buýt được gắn trên từng xe buýt.

Ông PHẠM VƯƠNG BẢOTrưởng phòng Quản lý dịch vụ giao thông công cộng, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm