Xóm nghèo mòn mỏi chờ điện thắp sáng

Người dân ở khu 61 thuộc ấp 61, xã Sông Nhạn, huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) phản ánh: “Chúng tôi sinh sống và có hộ khẩu ở đây đã mấy chục năm nay nhưng vẫn chưa có điện sử dụng trong khi các vùng lân cận đã có”.

Khu dân cư trên có khoảng 40 hộ dân (đa số là hộ nghèo và dân tộc thiểu số) nằm biệt lập về hướng nam của xã Sông Nhạn, bao quanh bởi các lô cao su do Công ty Cao su Đồng Nai quản lý. Người dân phải cam chịu bốn không: không điện, không đường, không trường, không trạm. Để vào được đây, PV phải đi lòng vòng trong các con đường nhỏ của các lô cao su.

Mặc dù chỉ cách trung tâm xã khoảng 1,5 km theo đường chim bay nhưng nếu phần ấp 61 nằm gần trung tâm có điện, nhà cửa khang trang, đường bê tông thì nơi đây lại rất nghèo nàn u ám. Với việc làm thuê và làm nông, các cư dân thiếu thốn mọi thứ, đặc biệt là điện, nước phục vụ đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Bà Thị Ẩm (người dân tộc Chơro) cho biết bà có hai con gái, một người đã lập gia đình và ra ở riêng, còn một người đi làm ăn xa. Mình bà ở nhà vừa chăm sóc mảnh vườn nhỏ với vài chục gốc cà phê, vừa đi làm mướn kiếm tiền nuôi mẹ già hơn 100 tuổi. Những ngày qua, trời nắng gắt khiến cây cà phê nhà bà bị héo lá. Hằng ngày bà phải gắng sức quay từng thùng nước từ dưới giếng sâu lên rồi xách đi tưới. Bà nói: “Tôi đã 72 tuổi nên làm những việc nặng nhọc như vầy mệt lắm. Ngặt nỗi nhà nghèo không có tiền thuê mướn người ta tưới bằng máy nổ. Trước đây, tôi có nghe thông tin nhà nước sẽ kéo điện về cho bà con sử dụng nhưng chờ hết năm này đến năm khác vẫn không thấy đâu”.

Xóm nghèo mòn mỏi chờ điện thắp sáng ảnh 1

Chiếc tivi trắng đen xài bằng bình ắcquy nhà chị Thị Két đã quá cũ kỹ nên thường hư hỏng chẳng coi được gì. Ảnh: T.NHÂN

Do không có điện nên việc sắm tivi màu để xem thời sự là chuyện rất xa vời đối với bà con. Trong khi đó, tivi trắng đen xài bằng bình ắcquy đã quá cũ kỹ nên thường hư hỏng. Chị Thị Két kể mỗi lần tivi nhà hư, đem đến tiệm sửa thì thợ cứ từ chối vì không có phụ tùng thay. Chị phải năn nỉ họ sửa tạm để coi cho đỡ buồn. Cũng vì sống trong khu vực không có đủ thông tin về cơn bão số 1 vừa rồi nên nhà chị và một số nhà khác bị tốc mái tôn gây thiệt hại nặng.

Muốn sạc pin điện thoại, sạc bình ắcquy, mua dầu thắp sáng, nhiều người phải đi một đoạn đường dài khoảng 10 km sang xã bên. Đã có lần bà con trong vùng bị bệnh nặng cần cấp cứu, họ phải cực nhọc chạy đi tìm mượn cái điện thoại di động còn pin để gọi xe taxi.

“Hai người con của tôi hiện đang học cấp 3 ở ngoài thị xã Long Khánh. Gia đình cũng muốn lo cho chúng ăn học thành đạt để thoát khỏi nghề nông cực nhọc. Nhưng không có điện các cháu rất khó khăn trong việc tự học vi tính, Anh văn và khó theo kịp chúng bạn” - anh Nguyễn Văn Tâm lo lắng.

Quảng Nam cũng có bốn thôn bị “bốn không”

Tình trạng bốn không cũng đang diễn ra tại bốn thôn Đồng Chàm, Thác Cạn, Đầu Gò, Ba Tớt thuộc xã Đại Sơn, huyện Đại Lộc (Quảng Nam).

“Bà đã sống gần hết cuộc đời mình ở đây rồi. Chỉ mong một ngày làng bà được bắt điện để bà được một lần xem cái hình người trong cái tivi hắn ra sao thì bà chết cũng mãn nguyện” - bà Mai Thị Lý (74 tuổi, thôn Đồng Chàm) nói.

Cách đây hai năm, vì thấy đêm về đèn đóm tối om nên người dân mới chung tiền để mua bốn máy phát điện cho mỗi thôn. Mỗi nhà cứ một bóng điện là mỗi tháng đóng 70.000 đồng; hai bóng là 140.000 đồng nhưng mỗi ngày chỉ thắp được phép thắp 3 tiếng vào ban đêm.

Ông Nguyễn Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Sơn, cho biết: “Ngày thắp chỉ 3 tiếng thôi mà mỗi nhà ít nhất mỗi tháng tốn 70.000 đồng, điện lại chập chờn. Đâu chừng 10 năm trước, tổ công tác của ngành điện lực tỉnh có về đo đạc, lập hồ sơ, tính toán dự án đưa điện về khu vực nhưng đến nay không thấy ai quay lại”.

MẶC TƯỞNG

Xã đã nhiều lần đề nghị

Xã đã nhiều lần gửi văn bản đề nghị UBND huyện, Chi nhánh Điện lực Long Khánh, Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện Cẩm Mỹ xem xét, có phương án giúp đỡ người dân khu 61 vượt qua khó khăn, đặc biệt là sớm cung cấp điện, nước. Vừa rồi xã có phối hợp với điện lực và Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện xuống khảo sát đường điện trung thế và hạ thế ở khu này nhưng đến nay vẫn chưa nhận được kết quả phúc đáp cụ thể. Xã sẽ tiếp tục gửi văn bản đề nghị đưa điện về khu 61.

Ông MAI THANH HÙNG, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ)

Huyện sẽ họp triển khai

UBND huyện đã triển khai kế hoạch thực hiện dự án điện cho khu 61. Do phụ thuộc vào đường điện trung thế nên Phòng Kinh tế-Hạ tầng đã đi khảo sát để tính toán cự ly có thể kéo được đường điện hạ thế hay không. Tuy nhiên, kinh phí để kéo điện trung thế thuộc đầu tư của ngành điện. Hiện nay, ngành điện cho biết đang kẹt vốn và đầu tư rất cầm chừng. Huyện sẽ tính toán thêm vì có nhiều dự án huyện đã tự bỏ ngân sách của huyện và kêu gọi nhân dân đóng góp thêm để làm cả đường điện trung thế lẫn hạ thế trong khi chờ nguồn vốn của ngành điện.

Hiện Phòng Kinh tế-Hạ tầng đã có kết quả khảo sát đường điện. UBND huyện sẽ sớm bàn bạc về kinh phí đầu tư và thời điểm triển khai để giải thích cho người dân được rõ.

Ông CHẾ VĂN THÀNH, đại diện UBND huyện Cẩm Mỹ

THÀNH NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm