Xóa bỏ quan niệm gửi gắm xin việc

Đọc bài “Bắt “trưởng phòng” lừa xin việc sân bay” trên Pháp Luật TP.HCM (ngày 25-12) tôi thấy vừa thương vừa giận các nạn nhân. Tôi nhớ không nhầm thì mới đây, Pháp Luật TP.HCM cũng vừa đăng tải vụ Dương Thị Yến Linh (tạm trú 25/2 Lê Sát, phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM) bị nhiều người tố giác lừa xin việc trong sân bay Tân Sơn Nhất. Người đi lừa đều có chung mánh khóe là tự xưng có quen biết người trong sân bay hoặc làm việc trong sân bay, hứa giúp cho người khác vào làm ở đây để lừa tiền. Nhiều nạn nhân mắc bẫy, dâng tiền cho “ân nhân” nhưng việc thì chẳng thấy đâu.

Thực tế cho thấy khi nền kinh tế khó khăn, người thất nghiệp đang tăng thì những lời mời chào tuyển dụng “nhàn hạ, chỗ làm tốt, không cần kinh nghiệm, lương cao” lại trở nên quý giá hơn bao giờ hết, đánh động vào nhu cầu tìm việc cũng như lòng tham của mỗi người. Cạnh đó, nhiều người vẫn còn quan niệm việc tiến thân được xây dựng dựa trên những mối quan hệ, “nhất thân, nhì tiền, tam quyền, tứ chế”… thì những chiêu lừa vì thế càng dễ mang lại hiệu quả.

Xóa bỏ quan niệm gửi gắm xin việc ảnh 1

Việc công khai thi tuyển công chức sẽ tìm được người thực tài trong tuyển dụng. Ảnh: HTD

Để hạn chế bị lừa, tôi nghĩ trước hết người lao động phải bình tĩnh đánh giá những lời mời chào, hứa hẹn. Cần đọc kỹ thông tin tuyển dụng để tránh ảo tưởng khi mà các đối tượng lừa đảo thường đưa ra mức lương và công việc hấp dẫn nhưng lại không yêu cầu trình độ và kinh nghiệm. Đồng thời cần tìm hiểu về công ty qua các kênh thông tin như website, phản hồi trên mạng những người đã từng đến công ty xin việc, tiếp xúc với người dân gần trụ sở, văn phòng làm việc để biết thêm thông tin.

Tiếp đó, người lao động cần cảnh giác trước các thủ đoạn tác động tâm lý của các trung tâm môi giới để khỏi phải nộp các khoản tiền vô lý như phí xét duyệt hồ sơ, tiền đặt cọc… Để chắc chắn hơn, người lao động cần xem kỹ các thỏa thuận với công ty, có hợp đồng lao động hẳn hoi để đảm bảo giá trị pháp lý. Nếu người lao động phát hiện các công ty hay trung tâm môi giới làm ăn phi pháp hoặc xâm hại lợi ích hợp pháp của họ thì báo ngay các cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, điều tôi mong mỏi nhất là người lao động cần dẹp bỏ ngay suy nghĩ “có tiền là có thể mua được việc làm”. Hãy tiến thân bằng năng lực, khả năng của mình (muốn vậy thì mọi người cần nỗ lực, phấn đấu học tập). Ngược lại, các công ty, đơn vị cần minh bạch trong tuyển dụng, trọng bằng cấp nhưng cũng cần người thực tài; tránh chuyện kéo bè cánh, gửi gắm, đưa con cháu, người quen vào đơn vị bằng mọi cách để rồi phát sinh tiêu cực...

NGUYỄN VIỆT KHOA, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, bồi dưỡng pháp luật kinh doanh,
Trường ĐH Kinh tế TP.HCM

Đừng làm mất cơ hội của người khác

Công ty cũ của tôi trước kia cũng không ít lần tuyển người, tuy nhiên không phải lần nào cũng công khai minh bạch. Có nhiều lần lý ra phải đăng tin tuyển dụng thì lãnh đạo chỉ thông báo nội bộ cho anh em trong cơ quan nếu ai có người quen cần vào làm thì giới thiệu. Lần tuyển sau đó thì thấy toàn người nhà của nhau cả. Trong đó không loại trừ có người chạy chọt vì tôi thấy bằng cấp không đúng như yêu cầu hoặc nói là người quen anh này, anh kia nhưng vào cơ quan rồi thì lơ nhau.

Tôi cho rằng việc này là mầm mống của chuyện chạy tiền để xin việc. Chỉ cần đưa vài đồng là có thể sắp xếp được “nguyện vọng”. Và đây cũng là cơ hội để cho nhiều người tung chiêu lừa đảo. Đặc biệt, kiểu xin việc này sẽ triệt tiêu cơ hội của những người xin việc chính đáng, gây nên sự bất công và làm giảm hiệu quả làm việc của đơn vị, tổ chức vì đã tuyển người không đúng trình độ, năng lực.

ĐẶNG VĂN TÀI (tailuudang2301@..., cư xá Đô Thành,
quận 3, TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.