Xin lỗi oan, không được làm qua loa

“Như vậy là được rồi, anh em bên VKS tỏ ra chu đáo khi điện thoại nhắc tôi ngày giờ đến dự họp để họ xin lỗi, còn phát thư mời cho ban ngành đoàn thể, anh em sinh hoạt chung trong hội cựu chiến binh… đến tham dự. Tôi cảm thấy được trân trọng khi được sắp xếp ngồi ở giữa hết thảy. Đại diện VKS khi đọc thông tin cải chính, khi xin lỗi đều hướng về tôi…”.

Trao đổi với phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM sau khi kết thúc buổi họp công khai xin lỗi ngày 16-7, ông Nguyễn Thành Trung tỏ ra hài lòng về công tác chuẩn bị của phía VKS cũng như cách ngỏ lời xin lỗi ông như trên (xem thêm bài Sau 23 năm mang thân phận bị can: Một cựu chiến binh được minh oan”, Pháp Luật TP.HCM ngày 16-7).

Tuy có phàn nàn việc đại diện VKS không mặc trang phục của ngành, không có lãnh đạo Phòng Kinh tế TP Vị Thanh (Hậu Giang) - cơ quan được xem là chủ quản hiện nay sau khi ông Trung được khôi phục quyền lợi đến dự, khán phòng tổ chức hơi nhỏ nhưng ông Trung thẳng thắn cho rằng: “Có điều kiện làm trang trọng hơn thì tốt nhưng tôi nghĩ cách làm như vậy là tôi hài lòng và qua đó cũng cho thấy sự cầu thị của VKS”.

Xin lỗi oan, không được làm qua loa ảnh 1

Đại diện TAND quận Tân Bình (TP.HCM) xin lỗi anh Đào Xuân Thế (phải) người bị kết án oan về tội trộm cắp tài sản vào chiều 19-1-2006. Ảnh: VI TRẦN

Theo ghi nhận của phóng viên trong thư mời, buổi xin lỗi ông Trung sẽ diễn ra lúc 7 giờ 30 sáng 15-7. Khoảng 6 giờ 30 sáng, trời mưa tầm tã kéo dài cho đến gần 8 giờ. Tuy nhiên, khoảng 7 giờ 10, ông Nguyễn Đồng Khởi (Viện trưởng VKSND TP Vị Thanh) cùng cán bộ của viện đã có mặt tại địa điểm họp. Thành phần tham dự cũng khá phong phú gồm một vị phó chủ tịch phường, đại diện cựu chiến binh, đại diện đoàn thể địa phương…

Theo phóng viên, buổi họp xin lỗi này được tổ chức ấm cúng, trang trọng thể hiện được sự trân trọng đối với người cần xin lỗi. Phía VKS bố trí cho ông Trung ngồi ngay vị trí trung tâm để mọi người đều có thể quan sát rõ người đang được giải nỗi oan khiên đằng đẵng hơn 23 năm ròng. Viện trưởng VKSND TP Vị Thanh khi đọc nội dung cải chính, ngỏ lời xin lỗi đều nhẹ nhàng, cầu thị và không hề có thái độ “lên gân” hay trịch thượng.

Chính Viện trưởng Nguyễn Đồng Khởi khi gần kết thúc buổi công khai xin lỗi đã thật lòng bày tỏ: “Lần đầu tiên tổ chức công khai xin lỗi nên không biết có điều gì còn phiền lòng hay chưa chuẩn xác, ở đây có anh em báo chí từng dự nhiều trường hợp xin lỗi oan sai, tôi xin được góp ý là làm như vậy đã chu tất chưa?”.

Phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM góp ý nhỏ: Lãnh đạo VKS nên có cái bắt tay với ông Trung để thể hiện “tình thương mến thương”. Mọi người đồng tình và ngay sau đó ông Khởi đã thực hiện trong tiếng cười của ông Trung, trong không khí vui vẻ của những người đến tham dự…

Cần quy định nghi thức xin lỗi

Hiện nay, luật chỉ quy định chung: Cơ quan làm sai phải nói lời xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc nơi làm việc. Do quy định như vậy nên không ít nơi đã tổ chức buổi xin lỗi gần như cho… có lệ.

Còn nhớ buổi xin lỗi công khai chị Trương Thị Kim Hoàn tổ chức tại trụ sở UBND phường Cô Giang (quận 1, TP.HCM) cách đây ít năm đã khiến không chỉ người trong cuộc mà cả những người dự khán cũng cảm thấy hụt hẫng, không hài lòng. Chị Hoàn bị bắt giam và bị TAND quận 1 kết án 10 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy, sau đó được đình chỉ điều tra vì không có tội sau gần bốn năm bị giam oan. Tuy nhiên, buổi xin lỗi chỉ diễn ra sơ sài và chóng vánh, chỉ trong vòng 10 phút là xong.

Nhiều vụ khác khi người được xin lỗi chưa kịp mở miệng nói câu nào thì người xin lỗi đã bỏ về, bất kể người ta có thông cảm, tha thứ hay không. Cũng không ít trường hợp, không khí xin lỗi tỏ ra hết sức nặng nề căng thẳng vì cơ quan phải xin lỗi ấm ức do bị ép buộc, miễn cưỡng vì vẫn mang trong lòng nỗi ấm ức, rằng anh có tội đấy, chẳng qua tôi không chứng minh được…

Thiết nghĩ việc tổ chức xin lỗi ông Nguyễn Thành Trung và một số lần hiếm hoi khác cho thấy cơ quan làm sai đã làm đến nơi đến chốn, thể hiện được văn hóa pháp lý, chuẩn mực giao tế trong xã hội pháp quyền.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng cần có quy định cụ thể thể thức, thủ tục xin lỗi, tránh mỗi nơi một kiểu. Chẳng hạn, nên có quy định rõ ràng về địa điểm xin lỗi, hay nhất là tại xã phường nơi người được xin lỗi cư trú hoặc tại nhà riêng tùy yêu cầu của họ. Phải quy định cả thời gian cụ thể của buổi xin lỗi, tạo điều kiện cho người được xin lỗi được nói hết lòng hết dạ. Về chỗ ngồi, nên sắp xếp để làm sao người được xin lỗi ngồi ở vị trí trung tâm, sau đó người xin lỗi lên bục đọc lời xin lỗi...

Tôi nghĩ đây là những ý kiến xác đáng cần được ghi nhận và phát huy. Làm như thế mới thể hiện được mối quan hệ bình đẳng giữa Nhà nước và công dân. Nếu thấy sai thì mạnh dạn, thẳng thắn sửa sai. Sửa sai một cách chân thành.

G.HI - T.BÌNH

GIA TUỆ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm