Xén vỉa hè làm bãi xe: Cú đi ngược đáng trách

Hàng chục hộ dân trên đường Phùng Hưng (phường Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngỡ ngàng khi một bãi giữ xe rộng 300 m2 bất ngờ mọc lên ngay trước căn nhà của họ.

Trong khi cả nước đang rầm rộ chiến dịch chỉnh đốn trật tự vỉa hè cho người đi bộ thì việc làm của chính quyền quận Hoàn Kiếm khiến dư luận bức xúc, đặt ra nhiều câu hỏi về lợi ích chung-riêng.

Đi ngược lợi ích cộng đồng

Bãi giữ xe trên dài 75 m, rộng 4 m, án ngữ trước hàng chục kiốt, từ số nhà 24 đến 36 do Công ty Cổ phần 901 (trụ sở tại phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng) khai thác. Không chỉ chiếm dụng một phần vỉa hè dài rộng, địa điểm này còn đối diện với một trường học nên chắc chắn sẽ gia tăng sự ùn tắc vào giờ cao điểm. Xem bài “Không nên xén vỉa hè làm bãi giữ xe” trên Pháp Luật TP.HCM ngày 13-4.

“Người ta thì dẹp vỉa hè cho thông thoáng, ở đây lại đi quây làm bãi giữ cả trăm chiếc xe, không chừa đường ra vào cho cả chục căn nhà. Rồi lại kẹt xe, lại leo lề, chính quyền nghĩ sao mà làm vậy?” - độc giả Tân Vịnh bức xúc.

Rõ ràng với cả trăm chiếc xe gửi tại đây sẽ là bức tường ngăn cản hoạt động kinh doanh, sinh hoạt của người dân và làm cho tình trạng kẹt xe càng thêm bế tắc.

Bạn đọc Anh Triết nói: “Trong khi khắp nơi ra quân dọn dẹp vỉa hè thì chính quyền một phường lại đi ngược lợi ích cộng đồng như vậy. Có yếu tố quyền lợi gì ở đây sao hay cán bộ địa phương không nghe, không biết có chiến dịch dọn dẹp vỉa hè của TP Hà Nội?”.

Lợi ích của chiến dịch dọn dẹp vỉa hè đã được minh chứng rất rõ và được người dân vô cùng ủng hộ. Còn quyết định của quận Hoàn Kiếm được bạn Mỹ Ngọc phân tích: “Giữ xe đem nguồn thu cho một số đối tượng nhưng người dân thất thu, không có chỗ đi bộ, lên xuống khó khăn, thêm thời gian chôn chân ngoài đường vì kẹt xe, cân lợi-hại đôi bên thấy tội dân quá. Quyền lợi từ vỉa hè rốt cuộc thuộc về ai?”. Ý kiến này nhận được nhiều sự đồng tình và chia sẻ.

Một phần đường Phùng Hưng (phường Hàng Bông, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị lấy làm bãi giữ xe. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Gỡ nút thắt mang tên “lợi ích”

Theo giải thích của chính quyền địa phương, việc tổ chức bãi giữ xe tại đây nhằm giải quyết nhu cầu nơi để xe cho hàng loạt tuyến đường vỉa hè quá nhỏ như Ngõ Trạm, Hà Trung, Tống Duy Tân… Tuy nhiên, người dân trên đường Phùng Hưng lại không được lấy ý kiến, coi như đẩy họ vào thế sự đã rồi phải chấp nhận.

“Không những ở Phùng Hưng mà nhiều nơi nữa trong quận trông xe được cấp phép, như Công ty CP Đồng Xuân có rất nhiều điểm trông giữ xe trên vỉa hè. Có phải xem lại việc cấp phép này không?” - bạn TĐ nêu ý kiến.

Trong khi người dân vi phạm bị chế tài, buộc tháo dỡ thì việc cấp phép kinh doanh cho một công ty như thế này chắc chắn gây ra sự bất bình, vô hình trung khiến nỗ lực dẹp vỉa hè của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung bị xem nhẹ. Khó có thể thuyết phục người dân rằng đây là việc làm “vô tư” bởi khi cân nhắc lợi-hại, dễ dàng nhận thấy nhóm người dân tuy lực lượng vượt trội nhưng lại đang bị đặt ở thế yếu, thiếu ưu tiên.

Bạn Võ Tá Luân thẳng thắn: “Từ lợi ích của cộng đồng chuyển sang lợi ích của một cá nhân hay tổ chức, tiền giữ xe ở đây sẽ được chia cho ai?”.

Vấn đề đặt ra là cấp quản lý phải tìm được đường ra sau mỗi một chính sách, quy định ban hành, tránh tình trạng giải quyết lợi ích cho nhóm này nhưng lại gây thiệt hại cho nhóm khác. Uy tín địa phương sẽ giảm mà sự phản ứng của cộng đồng cũng khiến các quyết định vội vã ấy khó thực thi.

“Cấm buôn bán trên vỉa hè, cấm đậu xe... mục đích là tốt nhưng cấm mà không có hướng ra, không cho họ chỗ bán, chỗ đậu xe hợp pháp thì có phải là ngược đời không? Cấm vậy không thể bền vững, chính quyền lơ đi là tái diễn thôi” - độc giả Anh Khoa nhận định.

Tình trạng tái chiếm vỉa hè khi chính quyền tạm buông đã bắt đầu rục rịch ở địa bàn quận 1 (TP.HCM), nơi chiến dịch này diễn ra mạnh mẽ nhất. Khi địa phương quyết liệt và nhất quán vấn đề còn khó giải quyết nữa là trống đánh xuôi kèn thổi ngược thì loạn là tất yếu.

“Để chống lại tư lợi thì người có quyền phải chí công, từ đầu đến cuối đặt cái lợi công lên hàng đầu” là mong mỏi của bạn Minh Khuê và cũng là của mọi người dân.

Kết quả một tháng Hà Nội dẹp vỉa hè qua các con số

22.600 người được huy động.

122.500 hộ kinh doanh cam kết không lấn chiếm.

Thu giữ hơn 1.500 biển quảng cáo, biển hiệu.

Tháo dỡ trên 5.100 mái che, mái vẩy.

Tháo dỡ 2.600 bục bệ, cầu dắt xe.

1.300 bộ bàn ghế và 5.700 đồ vật bị thu giữ.

CSGT xử lý 11.800, thanh tra giao thông xử lý 3.116 trường hợp vi phạm, phạt thành tiền 6 tỉ đồng. (Theo VNE)

VÕ HÀ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm