‘Xe điên’ và những chuyện… dễ điên

Vụ tai nạn vào chiều 2-1 tại giao lộ Lê Văn Lương - Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 (TP.HCM), ô tô bốn chỗ tông liên tục hàng loạt xe máy khiến nhiều người bị thương, một lần nữa báo động tình trạng lái xe không làm chủ phương tiện “xe điên” thực sự là hiểm họa.

Nhiều nguyên nhân gây tai nạn

“Xe điên” là cách gọi để nói về một chiếc xe bất trị, dễ hiểu hơn là lái xe đã mất kiểm soát, để chiếc xe phóng bạt mạng và lao vào bất cứ thứ gì. Có thông tin cho rằng trước đó chiếc xe gây tai nạn đã bị CSGT chặn lại để xử lý nhưng lái xe đã bỏ chạy, đạp ga điên loạn nhằm tẩu thoát. Lại có thông tin cho rằng lái xe say xỉn, người nồng nặc mùi bia rượu. Nếu các thông tin này chính xác thì việc gây tai nạn hàng loạt là khó tránh khỏi.

Nhưng ngoài hai nguyên nhân trên, tại sao lại có chuyện một chiếc xe bất ngờ mất kiểm soát rồi lao thẳng vào người và phương tiện đang tham gia giao thông như vậy?

Về lý thuyết, lái xe phải điều khiển phương tiện lưu thông đúng phần đường, làn đường xe chạy và đúng tốc độ mà Luật Giao thông đường bộ quy định. Trên thực tế, tùy vào tình trạng mặt đường, thời tiết, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông nhiều hay ít, có thể cho xe chạy chậm hơn tốc độ quy định để điều khiển chiếc xe đảm bảo tuyệt đối an toàn cho mình, cho mọi người và các phương tiện giao thông khác nhưng tuyệt đối không được chạy quá tốc độ quy định. Luật là vậy nhưng nhiều người lái xe với sự chủ quan cùng ý thức kém, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, giành đường, vượt ẩu dẫn đến nhẹ thì va quẹt nhỏ, hoặc dẫn đến những vụ tai nạn thảm khốc.

Một nguyên nhân nữa là khả năng điều khiển phương tiện, phán đoán, xử lý tình huống khi tham gia giao thông yếu. Chỉ cần thấy xe ngược chiều hoặc người và các phương tiện cùng chiều đi quá sát thì họ đã mất bình tĩnh, xử lý sai dẫn đến tai nạn hàng loạt.

Ấy là chưa kể ngay từ lúc học, nhiều học viên có vẻ lơ là chuyện học lý thuyết, chỉ muốn được hướng dẫn “chiêu” sao cho qua được vòng trắc nghiệm để có giấy phép lái xe (GPLX) trước, còn kỹ năng lái tính sau.

Tai nạn do “xe điên” bốn chỗ gây ra chiều 2-1 tại quận 7, TP.HCM. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Học nhưng không thích được dạy

Là người dạy lái xe, tôi chứng kiến khá nhiều ca “khó đỡ”. Có những người học cao nên quen thái độ làm sếp, có trình độ cao nên không thích người khác dạy mình, thái độ hợp tác rất kém dù bản thân họ đang đi học. Nhiều trường hợp cầm tay lái sai, giáo viên hướng dẫn thao tác đúng thì họ thẳng thừng gạt đi: “Tôi cầm lái thế nào kệ tôi”, bảo dồn số, ngớt ga lại thì họ cứ cãi lại.

Mấy năm trước, lớp tôi có anh chủ tiệm vàng chưa có GPLX nhưng lái xe đi khắp nơi. Lúc đến lớp học, giờ thực hành thì anh này cứ đạp thẳng chân ga rồi thắng dúi dụi. Anh bảo: “Đi học để kiếm GPLX lận lưng chứ tôi chạy vô tư rồi”… Tôi cầm tay anh chỉ cách lái, anh bảo bỏ tay ra đi. Tôi nhắc anh cắt côn thì cắt dứt khoát, nhả côn thì nhả từ từ… nhưng chân anh như cây gỗ, cứ đạp được là đạp thẳng chân khiến xe rú lên điên loạn và lao đi. Tôi hướng dẫn nghe tiếng động cơ, anh ta chơi một câu: “Thầy im đi, đừng nói nhiều. Thầy mà nói, một là chiếc xe vào gốc cây, hai là xuống ruộng đó”. Hôm đi ra đường trường, thấy xe tải lớn đi ngược chiều, anh né nhiều khiến lốp bên phải đi xuống lề cỏ. Tôi cố để im xem anh có đánh lái cho chiếc xe lên trở lại không nhưng anh vẫn để chiếc xe chạy nghiêng một bên trên đường nhựa, một bên dưới lề. Tôi kéo thắng tay dừng xe và hỏi anh: “Người ta làm đường nhựa để làm gì hả anh? Anh chạy như vậy thì có cần tôi nói, tôi chỉ cho không?”. Đến lúc đó anh mới gật gù chấp nhận. Năm ngoái, tôi nghe một đồng nghiệp cho biết anh chủ tiệm vàng ấy gây tai nạn chết người.

Học hành như thế, bảo sao xe không “điên”!

Đừng bớt xén giờ dạy-học

Nếu tất cả cơ sở đào tạo lái xe đừng quá hám lợi nhuận cao, các giáo viên không được bớt xén giờ học của học viên và cơ sở nào cũng thực hiện đúng bài vở, đúng thời gian, học viên trực tiếp đến các cơ sở đào tạo lái xe để học nghiêm túc, cầu thị thì tôi tin rằng những vụ tai nạn do lái xe không làm chủ tốc độ, không làm chủ tay lái sẽ không còn xảy ra.

Thầy NGUYỄN ĐỨC THẮNG, giáo viên dạy lái xe hạng B2 Trường TCN VINASME Tây Nguyên

Học nhanh, gọn như… con vẹt!

Tôi là người bận rộn, học lái ô tô tại một trung tâm ở TP.HCM. Thú thật, với sáu tiếng học lý thuyết (2,5 tiếng một buổi), để ngấm tất cả bốn loại biển báo hiệu chính và một biển báo phụ cùng 450 câu hỏi thi trắc nghiệm thì quả là gian nan. Ai cũng muốn vượt qua ngưỡng cửa này để thi phần thực hành, nên ai cũng muốn đậu sao cho nhanh nhất. Vậy là chúng tôi được chỉ mẹo đánh trắc nghiệm. Ví dụ: Ở câu 356 và 357, thầy giáo phân tích các dấu hiệu để nhận biết xe nào đi đúng quy tắc giao thông, trong khi học viên chưa theo kịp thì thầy chốt hạ: “Trong bảng câu hỏi trắc nghiệm, chỉ có hai câu này là xuất hiện chữ “CSGT” thì đáp án là câu số 3. Còn với các câu liên quan biển báo chỉ dẫn, hễ câu hỏi một dòng thì đánh số 1, câu hỏi hai dòng thì đánh số 2”. Rất nhanh và gọn!

Trong trường hợp này, mục đích học và hiểu luật chưa hiệu quả, ai lười biếng thì cứ nhớ nguyên tắc này mà đánh dấu như con vẹt! Kế đến là phần thi thực hành, 10 tiếng tập lái (năm buổi) và sáu tiếng thực hành đường trường cộng với bốn tiếng thực hành cảm ứng cũng là một áp lực quá lớn đối với người mới học.

Anh NGUYỄN DUY THÔNG, quận Bình Thạnh, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm