Xe công chạy ngược chiều: Gấp thì cái gì cũng chấp?

Theo công văn giải trình của Vụ Kế hoạch-Tài chính cho Bộ Y tế, chiếc xe trên vào trưa 6-4 có nhiệm vụ đi sân bay Nội Bài đón chuyên gia tư vấn Nhật Bản. Khi đi đến cầu Nhật Tân, do có sự cố giao thông, hiện trường có cán bộ xử lý ra tín hiệu cho các xe quay đầu nên xe này đã quay lại, chạy ngược chiều để chuyển hướng ra sân bay cho kịp giờ.

Đông đảo bạn đọc đã bức xúc, nêu ý kiến về sự việc này, trong đó gần như toàn bộ đều phản đối gay gắt hành vi của chiếc xe trên.

Có "luật" này sao?

Lời giải thích của Vụ Kế hoạch-Tài chính không được dư luận chấp nhận bởi thực sự có phần thiếu cơ sở và hoàn toàn trái luật. Độc giả Đệ mỉa mai: “Có luật này sao? Mai mốt cứ kẹt xe là được quyền chạy ngược chiều theo xe bảng xanh”.

Đồng tình, nhiều bạn đọc càng bất bình hơn khi chiếc xe trên là của một đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, nơi chịu trách nhiệm giữ gìn, cứu chữa sức khỏe cho toàn dân nhưng lại có hành vi coi thường tính mạng người khác.

Lý do đường kẹt do sự cố ngoài ý muốn, lại đang có nhiệm vụ gấp đi đón chuyên gia nước ngoài nên xe công… phi nhanh ngược chiều trên cầu bị dư luận đánh giá là ngụy biện và không thể chấp nhận.

Trong năm chiếc xe chạy ngược chiều, một xe mang biển số xanh 31A.

“Không dự trù đi sớm, đến giờ chót chạy nhanh bất chấp thì nguy hiểm cho xe khác. Lỡ gây tai nạn chết người thì sao, thử hỏi có xe dân nào dám ngang tàng vậy không?” - bạn đọc Kim chất vấn.

Với tinh thần luôn luôn nghiêm túc, thượng tôn pháp luật kỷ cương, tin chắc vị chuyên gia Nhật Bản được đón hôm đó cũng chẳng hãnh diện gì khi biết sự việc này.

Nhiều độc giả còn chỉ rõ theo luật, nếu không phải là xe ưu tiên, trong mọi trường hợp phải chấp hành đúng luật giao thông. Hành vi chạy ngược chiều là trực tiếp uy hiếp và đe dọa gây thiệt hại đến sức khỏe, tính mạng của những người tham gia giao thông nên cần xử lý nặng để làm gương. “Nếu ai có việc gấp cũng chạy ngược chiều như xe biển xanh thì giao thông sẽ thế nào?” là câu hỏi được nhiều người đưa ra.

Với tất cả ý kiến phản bác trên, độc giả Đỗ Thái Quang phát biểu, cũng là nguyện vọng của nhiều người dân là: “Phạt, phạt, phạt! Luật vẫn là luật, mọi người đều bình đẳng trước luật”.

Và sự thật là…

Trong số nhiều ý kiến gửi về cho báo Pháp Luật TP.HCM, có một vài bạn đọc tỏ ra thông cảm với cách xử lý của tài xế xe biển xanh. Đơn cử như bạn đọc Hung Nguyen Manh, bạn nói: “Tình huống này đúng vì có sự điều tiết của lực lượng chức năng”.

Tuy nhiên, khi xác minh thông tin này với Đội CSGT số 2, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hà Nội - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý khu vực cầu Nhật Tân, Trung tá Hà Văn Tuân, Đội trưởng Đội CSGT số 2, cho biết trên báo An Ninh Thủ Đô là: “Chúng tôi khẳng định không bao giờ có việc lực lượng chức năng cho phép các phương tiện quay đầu đi ngược chiều trên cầu Nhật Tân vì như vậy chẳng khác nào đưa người dân, lái xe vào chỗ nguy hiểm".

Đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng CSGT đường bộ - đường sắt Công an TP Hà Nội, cũng khẳng định việc xảy ra sự cố ùn tắc trên cầu Nhật Tân và năm chiếc xe đi ngược chiều là hai chuyện hoàn toàn khác nhau; tất cả xe vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng luật.

Có lẽ không cần bàn thêm gì về hành vi sai luật rành rành của chiếc xe biển xanh trên cho dù có hay không lời minh định của CSGT Hà Nội. Có điều kiểu giải trình trên khiến người dân chỉ còn biết ngán ngẩm: “Chân thành nhận lỗi khó đến thế sao?!”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm