Xây dựng hình mẫu con người TP.HCM

Năm 2020, TP.HCM chọn chủ đề “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”. Để có một TP văn hóa, văn minh thì một trong những yếu tố quyết định chính là con người.

Sau khi đăng tải bài viết “Cùng nhau xây dựng TP.HCM văn hóa, văn minh” số ra ngày 30-1, Pháp Luật TP.HCM nhận thêm nhiều ý kiến góp ý, hiến kế của các bạn đọc, chuyên gia về vấn đề này.

Cần có quy chế văn hóa trong hoạt động công vụ

Để xây dựng một TP văn hóa thì cần những con người văn hóa. Đặc biêt, trong hoạt động công vụ giữa cơ quan nhà nước và người dân rất cần sự ứng xử văn hóa, hòa nhã. Do đó, ngay tại UBND các cấp nên định hướng xây dựng và ban hành quy chế văn hóa trong hoạt động công vụ.

Trong quy chế này nên xác định cụ thể chuẩn mực giao tiếp, ứng xử trong quan hệ công tác giữa cán bộ, công chức với nhau và với người dân. Quy chế cũng cần xây dựng tinh thần, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức và cán bộ không chuyên trách luôn cởi mở, tận tình hướng dẫn, gỡ vướng cho người dân.

Đồng thời, mỗi cán bộ, công chức phải nghiêm túc thực hiện “bốn xin”: Xin chào, xin lỗi, xin cám ơn, xin phép và “bốn luôn”: Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.

Mặt khác, TP nên đẩy mạnh ủy quyền cho UBND cấp phường, xã, thị trấn có thẩm quyền quyết định công nhận hương ước, quy ước cộng đồng bởi cấp xã, phường là nơi nắm rõ đời sống người dân nhất. Hiện nay, thẩm quyền quyết định việc này thuộc cấp quận. Điều này nhằm giảm bớt số lượng công việc cho UBND tuyến trên. Đồng thời, tinh giản các thủ tục hành chính.

Ông ĐỖ AN NHÀN, Chủ tịch UBND phường 1, quận Gò Vấp

Cần gắn kết hơn tình làng nghĩa xóm

Thực tế, hiện nay dù kinh tế và mức sống của người dân đã được nâng lên cao nhưng sự gắn kết tình cảm giữa người dân với người dân chưa được cải thiện tốt. Ông bà ta có những câu “Bà con xa không bằng láng giềng gần” để nói lên tầm quan trọng của tình làng nghĩa xóm. Làm việc gì cũng vậy, nếu có sự đồng lòng của toàn dân thì mọi việc thuận lợi. Tôi lấy ví dụ như việc thực hiện Chỉ thị 19 của Thành ủy TP.HCM về cuộc vận động không xả rác. Để được thành công như hôm nay xuất phát từ việc giữ gìn vệ sinh trong từng tổ, khu phố, cá nhân. Đó là sự đồng lòng cùng nhắc nhở nhau.

Vậy làm thế nào để gắn kết giữa những người dân lại với nhau, đây là điều mà các cấp chính quyền cần quan tâm hơn, đừng để mỗi người cứ ẩn danh ở ngay chính nơi mình đang sống.

Ông LÊ XUÂN KHƯƠNG, Bí thư chi bộ khu phố 12, phường 5,
quận Gò Vấp, TP.HCM

Văn minh từ những cuộc nhậu

TP.HCM được mệnh danh là một TP không ngủ bởi có những hàng quán phục vụ thâu đêm và cũng chính điều này tạo nên một nét riêng đáng nhớ của những người từng sinh sống và du lịch đến đây. Để TP văn minh đô thị thì trước tiên mọi người dân phải thể hiện sự văn minh từ những buổi tiệc, buổi nhậu.

Những hình ảnh nhậu nhẹt quá chén mất kiểm soát rồi xảy ra những cuộc ẩu đả, cãi nhau cần phải bị lên án, dẹp bỏ. Nghị định 100 có hiệu lực đã góp phần thay đổi ý thức của người dân trong dịp tết vừa qua, bạn bè tôi gần như đã uống thì không lái. Tôi mong điều này tiếp tục được duy trì lâu dài, để những cuộc vui mãi được lưu giữ thành những kỷ niệm đẹp không chỉ riêng ta mà cho cả TP này.

NGUYỄN HỮU LÝ, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM

Người đi đường dừng lại giúp người bị tai nạn trên đường Hoàng Minh Giám, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Lãnh đạo làm gương

TP.HCM nhiều năm qua đã là một TP văn minh, nghĩa tình và đáng sống. Giờ đây để phát huy cao hơn nữa chất lượng văn hóa của TP thì điều đầu tiên tôi mong muốn là mọi công dân sống ở TP này đều nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật. Chẳng hạn, đi đường không lấn làn, không vượt đèn đỏ; ở nhà không hát karaoke ầm ĩ làm ồn hàng xóm; nuôi chó thì đừng để chó ị bậy ngoài đường, giúp người đi đường gặp nạn... Tất cả những điều đó luật đã có quy định cụ thể, chỉ cần mỗi người có ý thức tuân thủ pháp luật là xã hội văn minh hơn.

Một TP văn hóa, văn minh thì việc xây dựng con người là điều quan trọng. TP nên đẩy mạnh tổ chức các hoạt động nhân ái, để cộng đồng san sẻ tình yêu thương cho những hoàn cảnh kém may mắn. Điều này giúp tô đậm tính tương thân tương ái vốn có trong người dân TP.HCM.

Để có được TP văn hóa thì từ những cá nhân trong bộ máy hành chính cho đến những lãnh đạo TP nên làm gương đầu tiên. Khi lãnh đạo gương mẫu thì người dân sẽ tin tưởng làm theo.

Ông ĐẶNG THANH VŨ, Giám đốc điều hành, phụ trách về sinh viên,
ĐH Văn Hiến

Thực hiện chủ đề 2020 của TP

UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện… tập trung triển khai thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2020 của TP “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, xây dựng hình mẫu con người TP.HCM yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo trong hiện tại và tương lai; phát huy vai trò của gia đình trong việc xây dựng môi trường văn hóa…

Đó là một trong những nội dung của chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 do UBND TP.HCM vừa ban hành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm