Xăng giả, người tiêu dùng không có cách nào để phát hiện

Trong tuần qua, bài viết “Bắt giám đốc Công ty Xăng dầu Long An trong vụ xăng giả khủng” và các thông tin liên quan về xử lý những người làm xăng giả nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với Bộ Công an đang phong tỏa, kiểm tra cửa hàng xăng dầu số 1 ở 679 Nguyễn Kiệm (phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM) vào cuối tháng 3 vừa qua. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Xăng giả, người tiêu dùng không có cách nào để phát hiện ảnh 2
Công an khám xét một cây xăng ở phường Tân Quý, 
quận Bình Tân, TP.HCM vào cuối tháng 3. Ảnh: AX

Nhiều bạn đọc cho rằng việc phát hiện xăng dầu giả với người dân là rất khó. Vì thế, các cơ quan chức năng cần kiểm tra và xử lý quyết liệt để bảo vệ quyền lợi cho người dân.

Đến nay Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố 41 bị can, thu giữ 10 tàu thủy, sáu xe bồn, 2,7 triệu lít xăng, 120 tỉ đồng tiền mặt cùng nhiều tài sản có giá trị khác liên quan đến các vụ xăng dầu giả gần đây.

Khó đòi bồi thường

Bạn đọc Nguyễn Hữu Hạnh bình luận: “Vì sao một mặt hàng chiến lược, liên quan an ninh năng lượng quốc gia, được quản lý theo diện kinh doanh có điều kiện nhưng lại rộ lên những vụ làm ăn phi pháp như vậy. Việc này cần phải xem lại cách quản lý của những ngành có liên quan.

Mong Nhà nước truy quét sạch những kẻ sản xuất, tàng trữ, buôn bán, vận chuyển hàng giả xăng dầu chỉ biết lợi nhuận trước mắt mà hại rất nhiều người”.

“Với những mặt hàng làm giả khác thì người tiêu dùng có thể phát hiện ra nhưng với xăng giả thì chào thua. Bởi nếu lỡ bị đổ phải xăng giả rồi hư xe thì cũng khó xác định được nguyên nhân là do xăng giả. Vả lại, khi đổ phải xăng giả, người dân làm gì có chứng từ để chứng minh đã đổ tại cây xăng đó để còn đòi quyền lợi. Bởi thế, các vụ làm xăng giả, khi tòa án xét xử thì không thể buộc các bị cáo bồi thường cho những nạn nhân” - bạn đọc
Thế Vĩnh nêu.

Đổ xăng cần phải có chứng từ

Nhiều bạn đọc cũng thắc mắc là từ những vụ phát hiện công ty xăng dầu làm giả thì những người dân đã từng đổ xăng tại các cây xăng làm xăng giả liệu có được bảo vệ quyền lợi?

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, bà Phạm Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cho biết: Hiện nay các cơ quan như quản lý thị trường, cơ quan công an đã vào cuộc để xử lý những vụ gian lận trong buôn bán xăng dầu là một tín hiệu vui vì quyền lợi người dân được bảo vệ. Với hội, nếu người dân có phản ánh thì hội cũng chỉ ghi nhận chứ không có phương tiện, dụng cụ nào để kiểm tra và xử lý.

Ở một số nước, khi người dân đổ xăng dầu đều có chứng từ để chứng minh đã từng đổ xăng đó. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, đối với những người đổ xăng lẻ thì không có. Nếu người dân có phát hiện mình đã từng đổ xăng đã bị phanh phui là giả thì cũng không có gì để chứng minh.

Đặt trường hợp nếu các cơ quan chức năng phát hiện cây xăng mình từng đổ là xăng dầu giả thì người dân cũng khó có thể quay lại kiện cây xăng đó, yêu cầu bồi thường vì không có chứng từ.

“Hiện nay, trước việc phát hiện những cây xăng giả thì người tiêu dùng rất mừng bởi trong tương lai mình sẽ tránh được việc đổ xăng giả. Tuy nhiên, để nói đến chuyện bồi thường là một chuyện không thể. Theo tôi, sắp tới các cơ quan nên có quy định về việc các cây xăng phải cung cấp biên lai đổ xăng cho khách hàng.

Trong trường hợp một người dân đang có nghi ngờ mình đã đổ xăng giả tại một cây xăng nào đó thì phải báo ngay đến quản lý thị trường hoặc công an kinh tế để các cơ quan này vào cuộc điều tra, xử lý” - bà Thu kiến nghị.

Cần nghiên cứu công cụ phát hiện xăng giả

Từ các thông tin về những vụ xăng giả bị phát hiện và xử lý trong thời gian gần đây, nhiều bạn đọc bình luận hiến kế đưa ra cách để kiểm soát tình trạng này.

- Tôi chạy xe đường dài, thỉnh thoảng xe hỏng nghi do đổ phải xăng giả nhưng có biết phản ánh đến đâu. Theo tôi, Nhà nước nên đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu cho ra công cụ thử nhanh xăng dầu giả vì bằng mắt thường không thể nhận biết xăng thật hay xăng giả được. Công cụ này giống như sản phẩm thử nhanh để biết thịt heo bệnh hay không đã từng có trên thị trường. Bên cạnh đó cần có đường dây nóng xử lý xăng dầu giả để người tiêu dùng phản ánh - bạn đọc Lê Hưng.

- Từ vụ án mua bán xăng dầu giả ở Đồng Nai cho thấy có dấu hiệu buông lỏng quản lý và bảo kê tiếp tay cho hoạt động buôn lậu xăng dầu giả. Người dân chúng tôi mong mỏi cần xử lý tận gốc nạn bảo kê nếu có, đây là hành vi hại nước, hại dân - bạn đọc Chu Quốc. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…