Vụ Xin Chào và đêm trắng của hai chuyên gia

Luật sư Phạm Công Hùng và TS Phan Anh Tuấn là hai chuyên gia tạo dấu ấn cho Pháp Luật TP.HCM khi thực hiện các bài viết về vụ Xin Chào.

5 giờ chiều 20-4-2016, PV Pháp Luật TP.HCM gọi cho luật sư Phạm Công Hùng - khi ấy đi công việc ở TP Đà Lạt (Lâm Đồng). Ông Hùng đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ liên quan đến vụ truy tố ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán Xin Chào - tội kinh doanh trái phép qua chat Facebook của ông.

Cùng lúc ấy, TS Phan Anh Tuấn, giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM, cũng vào cuộc bằng những tư vấn, nhận định sắc sảo để các bài báo lên khuôn ấn tượng.

Ông Phạm Công Hùng bào chữa miễn phí trong một vụ án hình sự. TS Phan Anh Tuấn luôn chặt chẽ trong lập luận Ảnh: HOÀNG GIANG - AT

Dành cả đêm đọc hồ sơ trên điện thoại

8 giờ tối, ông Hùng gọi PV. “Mở cho tôi Điều 58 và 67 Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) 2012”. Rồi ông Hùng phân tích ngay: “Biên bản VPHC được lập ở hai thời điểm khác nhau trong hai lĩnh vực khác nhau. Quyết định xử phạt VPHC căn cứ vào biên bản VPHC nhưng biên bản này bất hợp pháp. Từ đó, quyết định xử phạt cũng là quyết định bất hợp pháp. Ngoài ra, đoàn kiểm tra cho rằng hộ ông Tấn sử dụng nước giếng không đạt chuẩn sơ chế thực phẩm, ông Tấn phản đối rằng nước đạt chuẩn. Thế nhưng biên bản lại không ghi thu giữ mẫu nước để có cơ sở giám định chất lượng. Biên bản này cũng xác định khu vực chế biến có côn trùng độc hại nhưng tang vật, hình ảnh chứng minh lại không thấy ghi nhận. Nếu ông Tấn phản đối thì lấy gì chứng minh?”.

Ông Hùng nói tiếp: “Mở cho tôi Điều 66 Luật Xử lý VPHC 2012”. PV: “Thưa anh, thời hạn tối đa để ra quyết định xử phạt VPHC chỉ 60 ngày”. Ông Hùng: “Vậy là biên bản này không còn giá trị và hết thời hiệu ra quyết định xử phạt”...

Báo lên khuôn, ngay khi chuẩn bị xuất file sang nhà in thì ông Hùng gọi: “Cô lưu ý nhấn mạnh: Quyết định xử phạt là quyết định bất hợp pháp. Và thêm vào ý này: Bây giờ muốn xử phạt ông Tấn về hai hành vi này thì cũng không thể được nữa”.

Khi đó là 23 giờ.

Và ngay sáng ngày ra báo, TAND huyện Bình Chánh thông báo cho Pháp Luật TP.HCM biết tòa đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ tính hợp pháp của quyết định xử phạt. Sau đó, VKSND huyện Bình Chánh phải thừa nhận đã làm oan đối với ông Tấn.

“Chiều ấy, ngay sau khi tiếp thân chủ, dù đã mệt nhưng tôi quyết mở từng file ảnh để xem. Xem trên điện thoại hơi cực chút nhưng phải làm ngay để xem có điều bất hợp pháp hay không, có thì phải lên tiếng kịp thời để cơ quan chức năng xem lại. Đó cũng là góp phần vào việc bảo vệ pháp luật” - ông Hùng chia sẻ.

“Làm oan thì phải đình chỉ, không được nói miễn”

Khi những thông tin đầu tiên về vụ quán Xin Chào được đăng tải, dư luận bấy giờ sôi sục: Mới chậm đăng ký kinh doanh có năm ngày mà bị khởi tố, lạ vậy? Sau khi bị phạt hành chính về lỗi kinh doanh không có giấy phép chủ quán đã xin được giấy phép kinh doanh, lý do gì vẫn khởi tố…

Trong lúc ấy, một giảng viên ĐH khá trầm tĩnh. Đó là TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự (Trường ĐH Luật TP.HCM). Ông chỉ rõ: Cơ quan tố tụng đã khởi tố, truy tố oan ông Tấn do hiểu sai, hiểu không thấu đáo điều luật áp dụng. Muốn xác định thế nào là kinh doanh trái phép thì phải dựa vào các quy định về pháp luật kinh doanh hiện hành. Tại thời điểm hiện nay, để xem xét hoạt động kinh doanh thế nào là trái phép thì phải dựa trên Luật Đầu tư năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Nếu dựa vào các văn bản trước đó về hoạt động kinh doanh đều là hiểu sai luật.

Ông Tuấn đặt vấn đề: Hành vi vi phạm kinh doanh không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) có coi là kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép theo Điều 159 BLHS 1999 hay không… Việc ông Tấn có hành vi kinh doanh không có giấy chứng nhận ATVSTP thì đã rõ. Nhưng vì giấy chứng nhận này không phải là giấy phép nên hành vi của ông Tấn không thuộc trường hợp “kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép”.

Suốt từ chiều đến khuya, những cuộc điện thoại giữa TS Phan Anh Tuấn và biên tập viên, PV liên tục được kết nối. Trao đổi cho kỹ và rõ, tường tận chi tiết, thông hiểu ý nhau để chuyển tải những thông tin chính xác đến người đọc.

Bài viết “Xử hình sự chủ quán Xin Chào là không đúng luật” của TS Phan Anh Tuấn lý giải được nhiều vấn đề, tạo sức nặng để các cơ quan chức năng xem xét lại quy trình xử lý vụ việc. Bài viết thẳng thắn: Do cơ quan tố tụng đã lỡ khởi tố, truy tố rồi nên bây giờ cần phải khắc phục bằng cách đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can. “Cần lưu ý rằng trường hợp này không thể được đình chỉ theo khoản 1 Điều 25 BLHS theo diện miễn trách nhiệm hình sự. Bởi đơn giản một điều: Ông Tấn có phạm tội đâu mà miễn!”.

 

Bảo vệ các giá trị chân chính

TS Phan Anh Tuấn và luật sư Phạm Công Hùng từ lâu đã trở thành người bạn thân thiết của báo Pháp Luật TP.HCM. Mỗi vụ việc, sự kiện pháp lý mà báo đăng tải, cùng với các chuyên gia pháp luật khác, hai ông đã góp ý cho PV và tòa soạn, thẳng thắn nêu quan điểm để báo không viện dẫn luật sai hoặc hiểu sai vấn đề.

Sáng 26-8-2016, dư luận xôn xao vụ “bắt cóc” một chủ doanh nghiệp lẫn đứa con bốn tuổi trên đường đến trường mẫu giáo ở Bình Thuận. Cuối cùng, Công an quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết đang thực hiện một chuyên án “đúng quy trình”, rằng đây chỉ là “mời đi làm việc”...

Luật sư Phạm Công Hùng lập tức bày tỏ sự bất bình: Muốn mời ai đó thì người mời phải gửi giấy mời trước, nếu nói đây là vụ bắt người thì cũng phải đúng trình tự, thủ tục. Còn TS Phan Anh Tuấn nhận định ngay: Đó là hành vi “bắt người” chứ không phải “mời”.

Sau đó, ông Hùng đã viết trên mục Luật và đời của báo Pháp Luật TP.HCM bài “Cần xem xét vụ “mời đúng quy trình” như bắt cóc”. Nếu hành vi của các công an quận Hai Bà Trưng là sai luật, phải bị xem xét, xử lý, đề nghị Cục Điều tra VKSND Tối cao cần sớm vào cuộc. TS Phan Anh Tuấn thì phát biểu trong bài viết của PV: Việc bắt người nói trên là trái pháp luật.

“Pháp luật hiện tại chỉ cần làm đúng, làm đủ thì đã rất tốt rồi. Những gì bất cập, chưa hợp lý thì cần thay đổi để đừng xảy ra oan sai, hành dân” - ông Hùng chia sẻ.

Với TS Tuấn, “Báo đối với tôi là một kênh xã hội quan trọng để tôi có thể qua đó bảo vệ các giá trị chân chính của xã hội, những giá trị mà hằng ngày tôi vẫn tin tưởng và truyền đạt thông qua các bài giảng cho các thế hệ sinh viên tại Trường ĐH Luật TP.HCM. Khi cảm thấy tờ báo cùng chí hướng là bảo vệ các giá trị ấy và cùng có sự đồng cảm thì tại sao không gắn bó nhau? Báo Pháp Luật TP.HCM vừa là người bạn đồng hành cùng chí hướng, vừa là nơi mà những người lao động tri thức như tôi thể hiện trách nhiệm xã hội của mình để xây dựng một xã hội tốt hơn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm