Vụ xe cứu hỏa: Giới hạn nào cho quyền ưu tiên?

Ngày 20-3, vụ tai nạn giao thông (TNGT) giữa xe cứu hỏa và xe khách ở cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ hôm 18-3 khiến một cảnh sát PCCC tử vong và nhiều người khác bị thương tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tranh luận.

“Xe cứu hỏa có quyền…”

Phía Cảnh sát PCCC TP Hà Nội khẳng định xe cứu hỏa chạy ngược chiều trên cao tốc là thuộc quyền ưu tiên theo quy định, việc không cua vào làn khẩn cấp là do phía tay trái đang sửa chữa nên phải tránh.

Một lãnh đạo phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật (Cục CSGT) cũng cho hay theo Luật Giao thông đường bộ 2008, xe cứu hỏa được phép di chuyển ngược chiều để tiếp cận tai nạn, cứu hộ các nạn nhân; được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới; không bị hạn chế tốc độ, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông. Khi có tín hiệu của xe đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp như xe cứu hỏa, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư (LS) Bùi Đình Ứng (Đoàn LS TP Hà Nội) cho rằng trong vụ việc này, tài xế xe khách đã thiếu quan sát, không giảm tốc độ và nhường đường, dẫn tới va chạm gây hậu quả rất nghiêm trọng. “Thứ nhất, do xe cứu hỏa dài và góc cua hẹp, muốn vào làn khẩn cấp cũng không thể ngay lập tức được. Thứ hai, đây là ngã ba, tài xế xe khách phải chủ động giảm tốc độ khi lưu thông qua. Thứ ba, nếu nói rằng trời mưa và tầm nhìn hạn chế, anh lại càng phải giảm tốc độ để làm chủ. Xem clip có thể thấy mấy chiếc xe đi trước có thể tránh được nhưng đến xe khách thì xảy ra sự cố” - LS Ứng nói.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: TP

Bất khả kháng, rất khó để nhường đường

Khác với ý kiến trên, ông Nguyễn Việt, một tài xế xe khách nhiều năm chạy tuyến Hà Nội-Vĩnh Phúc, khẳng định nếu sự việc diễn ra như trong đoạn clip thì rất khó để tài xế xe khách có thể nhường đường cho xe cứu hỏa. Tình huống này, nếu tài xế xe khách thắng gấp hoặc bẻ lái sang phải để tránh thì với tốc độ cao như thế rất dễ lật xe và hậu quả thảm khốc hơn có thể xảy ra…

“Vụ tai nạn trên là điều vô cùng đáng tiếc. Chúng ta không nên mổ xẻ quá sâu, phán xét vì không ai ở vị trí của hai tài xế lúc đó. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói rằng là tài xế, đặc biệt là lái xe cứu hỏa, cần phải có kinh nghiệm cũng như bản lĩnh xử lý trong các tình huống” - một cán bộ CSGT TP Hà Nội nói.

Theo đó, dù được quyền ưu tiên nhưng xe cứu hỏa hay các xe khác cũng phải đảm bảo an toàn giao thông trước tiên. “Đường cao tốc rất nguy hiểm, nếu buộc phải đi ngược chiều trong tình huống khẩn cấp thì nên đi vào làn khẩn cấp để giảm sự nguy hiểm ấy xuống tối thiểu” - vị này nói.

LS Lê Văn Hoan (Đoàn LS TP.HCM) cũng nhấn mạnh: Luật cho phép xe cứu hỏa được quyền ưu tiên nhưng không có nghĩa là lưu thông bằng mọi giá, bất chấp nguy hiểm cho những người trên xe và những người tham gia giao thông khác. Tức là dù cho có quyền ưu tiên nhưng xe cứu hỏa phải đảm bảo an toàn thì mới điều khiển xe qua. “Với tốc độ cao của xe khách mà xe cứu hỏa lao ra như vậy thì tài xế xe khách không thể phản ứng kịp thời, đây được coi là trường hợp bất khả kháng” - ông nói.

Không nên cho ngược chiều trên cao tốc

Dù xe cứu hỏa là xe ưu tiên có thể đi vào đường cấm, ngược chiều... khi làm nhiệm vụ nhưng vẫn phải đặt an toàn tính mạng của con người lên trên hết. Bởi đây là đường cao tốc, vận tốc xe tối đa 100-120 km/giờ, tai nạn thảm khốc rất dễ xảy ra nếu bất ngờ có xe ngược chiều xuất hiện. Trong mọi trường hợp, các loại xe tuyệt đối phải tuân thủ điều kiện an toàn, không nên dùng quyền ưu tiên mà chạy ngược chiều trên đường cao tốc gây nguy hiểm cho chính mình và người khác.

LS NGUYỄN THẾ TÂNĐoàn LS tỉnh Tây Ninh

Từ vụ tai nạn trên, tôi cho rằng nên sửa đổi khoản 2 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ 2008 (Quyền ưu tiên của một số loại xe) thành: “Xe quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 điều này khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều trừ đường cao tốc, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông”.

LS LÊ VĂN HOANĐoàn LS TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm