Vụ xâm hại tình dục ở Bình Dương: Nạn nhân bao nhiêu tuổi?

Người bị hại trong vụ xâm phạm tình dục tập thể này có sự bất nhất trong độ tuổi. Theo giấy khai sinh thì người bị hại 14 tuổi nhưng theo lời khai của chính đương sự và giấy chứng nhận thương tích thì đương sự đã 18 tuổi. Việc xác định tuổi chính xác của người bị hại do vậy rất quan trọng vì có liên quan đến việc xác định tội danh của các bị cáo.

Lúc 18 tuổi, lúc 14 tuổi

Tối 13-2-2006, bảy thanh niên cùng Đ. đến quán Vườn Xoài, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương uống rượu. Uống tới tận khuya thì Đ. say nên nhóm nghỉ uống và đưa Đ. về nhà. Trên đường đi, một thanh niên nảy sinh ý định muốn “vui cả đêm” với Đ. và được nhóm đồng ý... Công an huyện đi tuần ngang đó đã bắt cả nhóm đưa về trụ sở.

Theo Điều 112 Bộ luật Hình sự, người nào hiếp dâm trẻ em từ đủ mười ba tuổi đến dưới mười sáu tuổi có thể bị xử lý hình sự về tội hiếp dâm trẻ em (mức phạt từ bảy năm đến 15 năm tù). Còn theo Điều 111 BLHS, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ có thể bị xử lý hình sự về tội hiếp dâm (mức phạt từ hai năm đến bảy năm tù).

Căn cứ vào trích lục giấy khai sinh xác định người bị hại Đ. mới 13 tuổi 26 ngày, TAND tỉnh Bình Dương đã mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử các bị cáo về tội hiếp dâm trẻ em theo Điều 112 BLHS với mức hình phạt từ tám đến 12 năm tù. Tuy nhiên, các bị cáo đều cho rằng cơ quan điều tra đã xác định sai độ tuổi của người bị hại. Ngay sau phiên sơ thẩm, các bị cáo đồng loạt kháng cáo kêu oan với lý do cơ quan tố tụng chưa làm rõ tuổi chính xác của người bị hại. Một bị cáo còn khẳng định là hơn một năm sau ngày xảy ra vụ án, Đ. vẫn cứ nói với bị cáo là Đ. đã hơn 18 tuổi và còn tự viết giấy xác nhận nội dung này (!?).

Tại phiên phúc thẩm, các luật sư của bị cáo đề nghị phải xác định chính xác độ tuổi của người bị hại để xét xử đúng tội danh. Bởi lẽ có rất nhiều lời khai của chính người bị hại và nhiều tài liệu do cơ quan điều tra thu thập thể hiện người bị hại sinh năm 1988. Có nghĩa là lúc bị giở trò đồi bại, Đ. đã 18 tuổi. Tại các biên bản điều tra sau khi xảy ra sự việc, người bị hại khai sinh năm 1988. Phiếu xét nghiệm cùng giấy chứng nhận thương tích cũng ghi nhận người bị hại sinh năm 1988. Chỉ sau này người bị hại mới khai rằng mình sinh năm 1992.

Nhiều chi tiết chênh nhau

Cơ quan điều tra cũng đã cố gắng đi tìm câu trả lời chính xác. Cơ quan này đã thu thập được hai bản sao giấy khai sinh của người bị hại cùng bản sao hộ khẩu của gia đình người bị hại, tất cả đều thể hiện Đ. sinh năm 1992. Đáng nói là hai bản sao khai sinh của người bị hại có ngày, tháng, sinh khác nhau và có sự bôi số không rõ ràng. Ngoài ra, họ của người cha trong hai giấy khai sinh cũng có sự khác biệt.

Hồ sơ vụ án còn có sự mâu thuẫn về thời gian. Theo kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm thì vụ việc xảy ra vào 22 giờ ngày 13-2-2006. Thế nhưng các phiếu xét nghiệm, giấy chứng nhận thương tật, biên bản lấy lời khai đều được xác lập trong ngày 13-2-2006 (tức trước khi xảy ra vụ án). Một biên bản lấy lời khai (được đánh bút lục số 366) còn ghi là vào lúc 0 giờ 25 phút ngày 13-2-2006 (cũng trước khi xảy ra vụ án).

Nếu căn cứ vào các bản kết luận điều tra, cáo trạng, bản án thì công an đã lập biên bản lời khai trước khi vụ việc xảy ra. Tương ứng, bệnh viện đã xét nghiệm và chứng nhận thương tích của người bị hại trước khi có vụ án. Các tài liệu này có giá trị để xác định sự thật của vụ án hay không?

Dù có rất nhiều nghi vấn nhưng phiên xử phúc thẩm mới đây của TAND tối cao tại TP.HCM đã bác toàn bộ các kháng cáo của bị cáo để giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tính tuổi của người bị hại theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo. Theo văn bản số 81 năm 2002 của TAND tối cao, nếu xác định được tháng cụ thể nhưng không xác định được ngày nào trong tháng thì lấy ngày mồng một của tháng đó làm ngày sinh của người bị hại. Nếu xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng nào trong quý đó thì lấy ngày mồng một của tháng đầu của quý đó làm ngày sinh. Nếu xác định được cụ thể nửa đầu năm hay nửa cuối năm nhưng không xác định được ngày, tháng nào thì lấy ngày mồng một tháng giêng hoặc ngày mồng một tháng bảy của năm đó làm ngày sinh.

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm