Vụ tỏ tình của con trai ông Phạm Nhật Vượng: Báo chí mắc lừa cô bé 13 tuổi?

Những ngày cuối tháng 8, một số tờ báo điện tử đồng loạt đưa thông tin về vụ tỏ tình được cho là của con trai ông Phạm Nhật Vượng, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Vincom. Mới đây, cơ quan điều tra đã có kết luận về vụ việc “gây sốt” trên mạng thời điểm trên. Theo đó, tất cả chỉ là một màn kịch được “đạo diễn” bởi một cô bé 13 tuổi.

Sự kiện "nóng hổi"

Sự việc khởi nguồn từ lúc một clip có tựa đề “Tỉ phú dollar Phạm Nhật Hoàng, con trai ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất thị trường chứng khoán” được đưa lên mạng tại địa chỉ www.beat.vn vào ngày 10-6. Song hành với clip này là một bài viết khác có nội dung cho biết người yêu của anh Phạm Nhật Hoàng là “hot girl nổi tiếng Sài thành” Whitebear.

Tiếp đó, clip được phát tán thêm trên mạng YouTube và một số mạng xã hội khác với tên “Tỏ tình lãng mạn của đại gia Nhật Hoàng Vincom và Whitebear”. Câu chuyện có lẽ chỉ dừng lại ở đó hoặc “phủ sóng” trong một phạm vi nhỏ, một cộng đồng mạng nhất định. Tuy nhiên, khi clip trên được một tờ báo mạng phát hiện và giật một titre tương tự, câu chuyện này bắt đầu trở thành một sự kiện “nóng hổi”. Với tựa đề “Clip được cho là con trai Phạm Nhật Vượng tỏ tình” và đăng trên một tờ báo mạng, theo thống kê của một trang web, bài báo trên đã thu hút 1.529 lượt xem, đó là chưa kể lượt xem thực tại trang này và trên các diễn đàn khác.

Ngay sau khi bài báo xuất hiện, ông Phạm Nhật Vượng đã có đơn gửi cơ quan công an và các cơ quan chức năng đề nghị điều tra làm rõ và xử lý về nguồn thông tin trên. Ngoài ra, ông Vượng còn gửi thư đến các báo đã đăng bài này yêu cầu gỡ bỏ bài viết và có lời xin lỗi, đính chính. Ông Vượng cũng khẳng định trên báo Giáo Dục Việt Nam là chưa một phóng viên nào liên hệ với ông để xác thực thông tin trên.

Vụ tỏ tình của con trai ông Phạm Nhật Vượng: Báo chí mắc lừa cô bé 13 tuổi? ảnh 1

Hình ảnh có chú thích cụ thể chụp lại từ clip được một tờ báo mạng đăng tải. Ảnh: Internet

Cô bé 13 tuổi và kịch bản tỏ tình

Sau kiến nghị của ông Vượng, các cơ quan chức năng đã nhập cuộc. Mới đây, Tổng cục An ninh 2 - Bộ Công an đã có kết luận theo đó, tác giả của kịch bản trên là một cô bé 13 tuổi tên TA. Khai nhận với cơ quan điều tra, cô bé đang học lớp 8 này cho biết trên báo Công An Nhân Dân: “Trong một dịp đi nghỉ mát cùng gia đình tại Vinpearl ở Nha Trang, bất ngờ cháu bắt gặp một chị rất giống hot girl PDQA (vừa du học ở Úc về nước, được TA coi như thần tượng) nên cháu nảy ý định muốn trêu đùa, tán tỉnh chị ấy. Vì thế, cháu tự nghĩ và chọn anh Phạm Nhật Hoàng, đóng giả anh ấy để tán chị QA. Cháu lập email, lấy nickname là tony-scary (đóng giả vai Phạm Nhật Hoàng). Sau này cháu còn lập nickname vuong-vingroup (đóng giả vai bác Phạm Nhật Vượng) để tiện nói dối với mọi người như là thật…”.

Sau khi sử dụng nickname giả trên, TA đã tìm cách tiếp cận, nói chuyện với QA trên mạng và tạo sự tin tưởng, làm cho QA tưởng đó là anh Phạm Nhật Hoàng thật. Tiếp đó, theo kịch bản của TA, sẽ có một Phạm Nhật Hoàng giả đi một chiếc ô tô sang trọng đến một quán cà phê tại TP.HCM để tặng hoa và quà cho QA. Phạm Nhật Hoàng giả sẽ xuất hiện cùng bốn vệ sĩ, “trợ lý” của chủ tịch Vingroup...

Với sự trợ giúp của nhiều người, kịch bản trên của cô bé 13 tuổi đã diễn ra như ý muốn. Suốt quá trình “tỏ tình”, TA không quên nhờ người quay lại diễn biến và tung lên mạng. Đó cũng chính là khởi nguồn của các luồng thông tin mà một số báo đã khai thác.

Kiểm chứng độ chính xác

Trước đó, một số tờ báo cũng đã trở thành nạn nhân của một “kịch bản” đầy cảm động do một cậu bé 12 tuổi “đạo diễn” với câu chuyện một mình đạp xe vào Nam tìm mẹ. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng lại cho thấy đó là một cậu bé hư vì bị mẹ mắng mà bỏ nhà đi lang thang.

Thông tin nhanh nhạy, kịp thời là đòi hỏi của báo chí, đặc biệt là báo mạng trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, không nên vì thế mà người viết cho phép mình bỏ qua những quy trình đảm bảo sự chính xác của thông tin.

Xác định nguồn tin và kiểm chứng độ xác thực của nguồn tin là một trong những yêu cầu được đặt ra trong lao động nghề báo. Đây cũng chính là một trong những ý kiến được ông Trần Phong, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Truyền thông Môi trường (Bộ TN&MT), đưa ra tại cuộc tọa đàm Tác nghiệp của nhà báo trong lĩnh vực tài nguyên môi trường diễn ra tại Hà Nội ngày 17-10. “Nhà báo đưa tin không chính xác sẽ làm mất niềm tin của độc giả, nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng độc giả quay lưng lại với báo chí…” - đại biểu này lo ngại.

Cơ quan báo chí, tác giả bài báo phải viện dẫn nguồn tin được sử dụng để đăng, phát trên báo chí. Khi viện dẫn nguồn tin, phải thể hiện rõ nguồn tin do cá nhân, cơ quan, tổ chức nào cung cấp hoặc thể hiện rõ là theo nguồn tin riêng của phóng viên, nguồn tin riêng của cơ quan báo chí và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về xuất xứ và tính xác thực của nguồn tin.

Trích Quy chế xác định nguồn tin trên báo chí
(Bộ TT&TT ban hành)

HỒ VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm