Vụ chôn sống con: Luật nhân văn với người mẹ ra sao?

Trước thông tin về người mẹ chôn sống con ở Hàm Tân, Bình Thuận đang được công an làm thủ tục để giao lại con, một số người lo lắng: Tại sao lại giao con cho người mẹ nhẫn tâm đó? Lỡ đứa bé bị xâm hại lần nữa thì sao?... Vậy nếu người mẹ đã vứt bỏ con thì có nên giao con cho người mẹ nuôi lại?

Nếu xét về hành vi vi phạm pháp luật thì người mẹ có thể phạm vào tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ.

Chỉ có mẹ mới là chủ thể

Cụ thể, tại Điều 124 BLHS năm 2015 quy định hai tội danh: giết hoặc vứt con mới đẻ. Thứ nhất, luật quy định người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong bảy ngày tuổi thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Thứ hai, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong bảy ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Chủ thể của cả hai tội phạm này chỉ có thể là người mẹ đã sinh ra đứa trẻ. Những người không phải là mẹ của đứa trẻ ví dụ như cha, mẹ nuôi,… nếu vi phạm sẽ phạm vào tội giết đứa trẻ và sẽ bị xử lý theo tội danh khác, đó là tội giết người với hình phạt nặng hơn.

Chị Kh., người mẹ chôn sống con ở Hàm Tân, Bình Thuận. Ảnh: P.NAM

Xét đến yếu tố tâm lý sau sinh

Nếu xét tính chất và mức độ vi phạm, ta thấy pháp luật trong trường hợp này mang tính chất khoan hồng, nhân đạo khi xử lý đối với người mẹ. Bởi người mẹ sinh ra đứa trẻ phạm các tội trên xuất phát từ đặc điểm tâm lý phụ nữ sau sinh không ổn định, dễ bị tác động bởi những yếu tố khách quan bên ngoài nên có những xử sự không phù hợp.

Theo hướng dẫn của TAND Tối cao, người mẹ chịu ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu được hiểu như: Khiếp sợ trước dư luận chê bai về việc mang thai và đẻ con ngoài giá thú; hoặc trước dư luận khắc nghiệt của nhà chồng cho rằng đẻ con gái là tai họa… Hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà điều luật quy định được hiểu là do bị hoàn cảnh khách quan đặc biệt chi phối, ví dụ như đứa trẻ sinh ra có dị dạng...

Điểm mới của BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là Điều 124 BLHS quy định những câu chuyện trên rạch ròi ở hai tội danh và có hướng xử lý khác nhau. Tội giết con mới đẻ ở khoản 1 và tội vứt bỏ con mới đẻ ở khoản 2. Đối với trường hợp giết con mới đẻ thì dù đứa trẻ chưa chết vẫn xử lý hình sự về tội giết con mới đẻ ở giai đoạn phạm tội chưa đạt.

Đối với trường hợp vứt bỏ con mới đẻ thì việc vứt bỏ phải “dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết” thì mới cấu thành tội vứt bỏ con mới đẻ.

Vì thế, với vụ việc người mẹ chôn con ở Hàm Tân, Bình Thuận, các cơ quan chức năng phải xác định đây là hành vi giết con mới đẻ hay hành vi vứt con mới đẻ, bởi việc xử lý trong trường hợp này là khác nhau theo quy định của Điều 124 BLHS năm 2015.

Thông tin trên báo chí cho thấy người mẹ có gia cảnh khó khăn, sợ chồng không thừa nhận con vì cho rằng con của người khác nên đã có hành vi dại dột. Việc xử lý vụ việc này cần tính đến sự nhân đạo của pháp luật hình sự: Người mẹ sinh ra đứa bé có nhận thức hạn chế, rất khó khăn, tâm lý không vững vàng sau sinh. Đồng thời, quyền lợi tốt nhất cho đứa bé cũng cần được tính đến.

Ở góc độ này, tôi thấy việc xử lý của các cơ quan chức năng ở Bình Thuận cho đến thời điểm này là hợp lý.

Xét nghiệm ADN trước khi tính bàn giao cho gia đình

Trước đó, ông Văn Quý Ngọc, Chủ tịch UBND huyện Hàm Tân (Bình Thuận), cho biết cơ quan chức năng đã xác định được mẹ của bé trai sơ sinh bị chôn sống dưới cát tại xã Tân Thắng. Bước đầu, người phụ nữ tên TTAKh (40 tuổi) đã nhận mình là mẹ đứa bé. Sau khi một mình “vượt cạn”, chị Kh. đã tự tay cào đất, lấp bé lại ở mảnh đất gần nhà.

Sau khi biết tin, bà Ngô Thị Sang (mẹ ruột chị Kh.) tỏ ra vô cùng sửng sốt và đau xót. Bà cho biết chị Kh. không được đi học và có bệnh từ nhỏ. “Mong mọi người lượng thứ. Tôi muốn nhận lại thằng bé để chăm sóc chứ không cho mẹ nó nuôi” - bà Sang nói.

Hiện tại bé trai trên vẫn đang được chăm sóc tại BV đa khoa thị xã La Gi. Cơ quan chức năng cho biết phải tiến hành xét nghiệm ADN cho đứa trẻ, xác minh chính xác mối quan hệ mẹ con giữa chị Kh. và bé trai trước khi bàn giao cho gia đình. Công an huyện Hàm Tân đang tiến hành các thủ tục này. Từ kết quả xét nghiệm mới có thể xác định các bước xử lý tiếp theo theo đúng quy định.

Vụ chôn sống con: Luật nhân văn với người mẹ ra sao? ảnh 2

____________________________

(*) Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

TP.HCM đề xuất quản lý chó, mèo: Hợp lý!

(PLO)- Chủ nuôi chó, mèo phải đáp ứng điều kiện nuôi để chính quyền dễ quản lý, giảm tình trạng một nhà nuôi số lượng lớn làm ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.