Vụ bé gái lớp 1 “được” mời lên CQĐT: Lợi ích trẻ em là hàng đầu

Mấy ngày nay, thông tin “một bé gái bị điệu lên công an” gây nhiều thắc mắc trong dư luận. Vì sao mới bảy tuổi mà em đã bị công an triệu tập? Nếu không dính líu đến một vụ án hình sự thì chắc em là người bị hại?... Ai ngờ sự thật không phải vậy.

Ngày 19-2, gia đình anh Nguyễn Quốc Đại (ngụ Bình Chánh) nhận được giấy mời yêu cầu con gái anh là N. ( bảy tuổi) đi cùng cha hoặc mẹ đến Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.HCM làm việc. Giấy mời có nội dung như sau: “Cơ quan CSĐT yêu cầu em N. cùng cha hoặc mẹ ruột đúng 8 giờ ngày 21-2 có mặt tại Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (Đội 7 PC14), số 324 Hòa Hưng, phường 13, quận 10 (vào cổng Trại tạm giam Chí Hòa) để cung cấp thông tin và hỏi về vấn đề có liên quan đến vụ án đang điều tra”. Cầm giấy mời mà tay anh Đại cứ run vì không hiểu chuyện gì đã xảy ra cho con gái mình. Bởi lẽ lâu nay, bé vẫn đến trường bình thường và học rất giỏi. Sau khi cân nhắc, gia đình anh Đại đã giấu không cho con biết nội dung thư mời và cũng không đưa con đến cơ quan điều tra.

Trả lời trên Báo Tuổi Trẻ ngày 28-2, điều tra viên đã ký giấy mời trên cho biết qua tài liệu của cơ quan điều tra thu thập được thì cháu bé có thể biết những thông tin quan trọng liên quan đến một vụ trọng án hình sự. Vì vậy, để đảm bảo bí mật của vụ án nên điều tra viên đã mời cháu bé và cha mẹ của cháu đến cơ quan điều tra để thu thập thông tin. Cũng theo điều tra viên này, do Bộ luật Tố tụng hình sự không cấm mời trẻ em hỗ trợ cho cơ quan điều tra nên việc làm của ông không sai pháp luật.

Đúng là bộ luật này có quy định “Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng”. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em cũng quy định: “Trong mọi hoạt động của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân có liên quan đến trẻ em thì lợi ích của trẻ em phải được quan tâm hàng đầu” (Điều 5). Đây là sự cụ thể hóa Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà nước ta tham gia ký kết thực hiện. Trong lời mở đầu, Công ước quốc tế về quyền trẻ em đã nhấn mạnh một yêu cầu là trẻ em được chăm sóc đặc biệt.

Như vậy, trong trường hợp cụ thể nêu trên, việc gửi giấy mời của cơ quan CSĐT đã đúng với tinh thần lợi ích trẻ em phải được quan tâm hàng đầu hay chưa? Có phải điều gì luật không cấm thì cảnh sát đều được quyền làm? Nên xử lý thế nào để bản thân trẻ và gia đình cảm thấy dễ chịu và sẵn sàng hợp tác?

Chúng tôi đã trao đổi với các chuyên gia tâm lý, luật sư và cơ quan bảo vệ trẻ em về vấn đề này.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Tâm, Giám đốc Công ty Tư vấn tâm lý Hồn Việt:

Trẻ em phải được bảo vệ đặc biệt

Khi nhận được giấy mời như thế, thông thường cha mẹ bé sẽ đặt câu hỏi: Bé có liên quan như thế nào? Sao công an lại để bé đi cổng trại giam Chí Hòa? Theo ứng xử thông thường, cha mẹ sẽ hỏi rằng “Con đã làm gì?”, như thế sẽ không tốt cho sự ổn định tâm lý của trẻ.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nên phải được bảo vệ đặc biệt. Xét về mặt tâm lý, có những trẻ vô tư nhưng cũng có những trẻ tâm lý yếu nên mức độ ảnh hưởng lên tâm lý của từng trẻ là khác nhau. Ví dụ như trường hợp của bé Trâm ở Đồng Tháp, nếu một bé cùng lớp cũng được “hỏi cung” về chuyện tiền quỹ lớp bị mất không bị sao cả thì bé Trâm lại rơi vào trạng thái hoảng loạn tinh thần. Do vậy, chúng ta cần lường trước những tình huống không tốt xảy ra cho các em để có những cách xử sự phù hợp.

Vụ bé gái lớp 1 “được” mời lên CQĐT: Lợi ích trẻ em là hàng đầu ảnh 1Ông Lê Minh Công, Phó Trưởng khoa Tư vấn tâm lý Bệnh viện Tâm thần trung ương:

Không nên đưa trẻ đến cơ quan điều tra

Theo tôi, cán bộ điều tra cần xử lý khéo hơn như có thể mặc thường phục đến nhà trò chuyện cùng cha mẹ cháu để tạo môi trường thân thiện với gia đình. Sau đó, cán bộ mới cùng gia đình làm việc với trẻ. Chúng ta cần hiểu ở lứa tuổi này, bé chưa ý thức được lời nói của mình có ảnh hưởng đến cộng đồng như thế nào, do vậy, khi bị một áp lực nào đó (ví dụ đọc thấy bảng chữ “công an” chẳng hạn), có thể bé sẽ nói không đúng sự thật.

Vụ bé gái lớp 1 “được” mời lên CQĐT: Lợi ích trẻ em là hàng đầu ảnh 2Luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên:

Sửa luật để bảo vệ quyền lợi của trẻ

Một người lớn nhận được giấy mời đến cơ quan điều tra còn thấy bất an, huống chi là một bé gái bảy tuổi. Mặc dù pháp luật chưa quy định cụ thể việc lấy lời khai của trẻ em nhưng sẽ tốt hơn nếu cán bộ điều tra lấy lời khai của các em tại nơi các em ở. Cán bộ tố tụng khi làm việc với trẻ em cũng phải hiểu tâm sinh lý trẻ để hạn chế các sự cố phát sinh. Tôi cho rằng trong thời gian tới, nội dung này cần được đưa vào trong Bộ luật Tố tụng hình sự để quyền lợi của trẻ em được bảo vệ tốt hơn.

Vụ bé gái lớp 1 “được” mời lên CQĐT: Lợi ích trẻ em là hàng đầu ảnh 3Bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP.HCM):

Có thể phối hợp với cán bộ phụ trách trẻ em

Dù có gia đình đi kèm nhưng việc đưa nhân chứng là một bé gái bảy tuổi đến tận cơ quan điều tra để làm việc là không nên. Khi bé bị áp lực thì lời nói sẽ không thống nhất giữa các lần với nhau. Kinh nghiệm làm việc với trẻ cho thấy trong những trường hợp này, công an có thể phối hợp với cán bộ phụ trách mảng trẻ em ở phường hoặc quận và mặc thường phục đến làm việc với trẻ và gia đình. Như thế sẽ tốt hơn cho sự phát triển tâm lý trẻ và kết quả của công tác điều tra.

THANH MẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm