Vụ bà cụ 81 tuổi tố bị con ruột hành hung: Công an huyện đã vào cuộc

Sáng qua (24-5), ngay sau khi báo Pháp Luật TP.HCMphản ánh trường hợp của bà Lê Thị Kiếm (ấp 1, xã Quy Đức, huyện Bình Chánh, TP.HCM) nhiều lần bị người con trai thứ chín ngược đãi, hành hạ, Công an huyện Bình Chánh đã cử cán bộ phối hợp với công an xã xác minh, lập hồ sơ vụ việc. Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Đức, Trưởng Công an huyện Bình Chánh, nếu điều tra thấy có đủ yếu tố thì cơ quan này sẽ khởi tố, xử lý hình sự người con.

Như đã thông tin trên số báo trước, mặc dù biết việc người con đánh mẹ và anh em trong nhà nhưng công an xã đã không xử phạt hành vi vi phạm hành chính theo thẩm quyền. Theo giải thích của ông Hoàng Huỳnh Lam, Phó Trưởng Công an xã Quy Đức, sở dĩ nơi này không xử lý là do người con không thừa nhận; bà mẹ và các thành viên trong gia đình không hợp tác, thậm chí có thái độ bao che; hàng xóm ngại tố giác. Lần này vì bà Kiếm gửi đơn nên xã sẽ tiếp tục theo dõi.

Vụ bà cụ 81 tuổi tố bị con ruột hành hung: Công an huyện đã vào cuộc ảnh 1

Bà Lê Thị Kiếm đã bị con trai hành hạ. Ảnh: TK

Theo chúng tôi, nếu xã tích cực xử lý vụ việc ngay từ đầu thì nỗi đau tinh thần, thể xác của bà cụ đã không trở nên căng thẳng đến mức bà cụ phải bỏ nhà đi nơi khác lánh nạn. Bởi lẽ theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền xử phạt đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, ra quyết định xử phạt. Với việc thường xuyên gây tổn hại về sức khỏe, gây tổn thương về tinh thần đối với thành viên gia đình, người con đã có hành vi vi phạm khoản 1 Điều 10 Nghị định 110/2009 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình).

Có dấu hiệu phạm tội ngược đãi, hành hạ mẹ

Điều 151 Bộ luật Hình sự có quy định về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình. Theo đó, người nào ngược đãi hoặc hành hạ… cha mẹ… gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.

Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2001 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, hành vi ngược đãi, hành hạ thông thường được hiểu là việc đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và về các mặt sinh hoạt hằng ngày khác đối với người thân như nhiếc móc, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt chịu rét, mặc rách một cách không bình thường hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể người bị hại như đánh đập, giam hãm... làm cho người bị hại bị đau đớn về thể xác và tinh thần.

Hành vi ngược đãi, hành hạ gây hậu quả nghiêm trọng, tức là làm cho người bị ngược đãi, hành hạ luôn luôn bị giày vò về mặt tình cảm, bị tổn thất về danh dự, đau khổ về tinh thần hoặc bị thương tích, tổn hại đến sức khỏe. Hậu quả thương tích hay tổn hại đến sức khỏe là do lỗi vô ý. Trong trường hợp thương tích, tổn hại sức khỏe xảy ra do lỗi cố ý thì tùy trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các khoản tương ứng của Điều 104 BLHS về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.

Theo thông tin trong bài báo thì dù đã nhiều lần đánh mẹ gây thương tích nhưng người con trai chưa bị công an xã xử phạt hành chính về hành vi này. Tuy nhiên, với việc bà mẹ luôn cảm thấy đau khổ về tinh thần, cơ thể có nhiều chấn thương, phải bỏ nhà đi hơn tháng nay để tránh cảnh bị con đánh đập, hành hạ thì có thể xác định người con đã có hành vi ngược đãi, hành hạ mẹ gây hậu quả nghiêm trọng. Công an huyện cần xem xét đến yếu tố này để có thể xử lý hình sự người con về tội danh phù hợp.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO

G.NGHĨA - T.KHÁNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm