Vụ 7 năm ôm hài cốt vợ: Không được giữ hài cốt trong nhà

Nghị định 150/2005/NĐ-CP ngày 12-12-2005 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội) không đưa ra biện pháp chế tài đối với hành vi lưu giữ hài cốt trong nhà. Tuy nhiên, điểm b khoản 4 Điều 9 nghị định này có quy định “phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng đối với hành vi chôn người chết do bệnh dịch, bốc mộ, di chuyển người chết, hài cốt trái quy định, không đảm bảo vệ sinh”. Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị buộc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra.

Theo đó, lẽ ra ông Lê Vân có thể bị xử phạt đến 1 triệu đồng về việc bốc mộ vợ không đúng quy định (mới chôn khoảng 20 tháng đã bốc mộ, sau khi bốc mộ lại không cát táng hoặc hỏa táng mà đem về nhà bọc trong tượng thạch cao...). Nhưng vì các hành vi này được thực hiện cách đây bảy năm nên nay đã hết thời hiệu xử lý vi phạm hành chính (theo quy định thì thời hiệu xử lý là một năm kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện). Trong trường hợp hành vi vi phạm đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính thì người vi phạm không bị xử phạt nhưng vẫn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Như vậy, tuy không bị phạt tiền nhưng ông Vân vẫn bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh do vi phạm hành chính gây ra. Cụ thể, ông phải đem hài cốt vợ đi chôn (hoặc hỏa táng) chứ không được lưu giữ ở trong nhà.

Theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi năm 2008), thẩm quyền buộc ông Vân thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thuộc về chủ tịch UBND hoặc trưởng Công an thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, Quảng Nam.

THANH BÌNH (Khu phố Phước Cơ, TP Vũng Tàu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm