Hỏi giùm bạn

Vợ có được tự ý lấy tiền riêng của chồng?

Tôi và vợ kết hôn được năm năm. Vợ tôi là người rất kỹ tính trong chuyện tiền bạc. Vì vậy, tôi và vợ đã lập văn bản thỏa thuận tài sản chung và riêng để chi tiêu cá nhân của tôi được thoải mái hơn. Theo đó, tiền lương của tôi là tài sản riêng nhưng định kỳ hằng tháng tôi vẫn chuyển 50% tiền lương cho vợ để lo cho gia đình. Gần đây, vợ tôi thường xuyên mở ví lấy hết tiền lương của tôi vì sợ tôi dùng tiền làm ăn bên ngoài rồi thua lỗ.
Vậy xin hỏi, việc làm trên của vợ tôi có trái pháp luật hay không? Tôi muốn biết để có thêm căn cứ khuyên vợ chứ không hề muốn vợ tôi bị xử lý. 
Bạn đọc Nguyễn Phú Hào (Cần Thơ)
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Tại Điều 38 Luật Hôn nhân và Gia đình (HN&GĐ) 2014 đã quy định trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận hoặc yêu cầu tòa án phân chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung.
Mặt khác, Điều 43 Luật HN&GĐ 2014 quy định tài sản được phân chia riêng cho vợ chồng trong quá trình phân chia tài sản chung thì thuộc sở hữu riêng của vợ hoặc chồng.
Theo thông tin anh Hào cung cấp, anh và vợ đã tự thỏa thuận phân chia tài sản chung, trong đó tiền lương của anh thuộc tài sản riêng do anh sở hữu.
Vì vậy, việc vợ tự ý lấy số tiền này được xem là hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình.
Điểm a khoản 2 Điều 56 Nghị định 167/2013 quy định hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Thẩm quyền xử phạt cho hành vi này thuộc chủ tịch UBND cấp xã.
Tuy nhiên, việc vợ anh cố ý lấy đi số tiền trên cũng chỉ nhằm mục đích tốt là sợ công việc làm của anh không thành công, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Vì vậy, anh Hào nên trao đổi thêm cùng vợ về công việc và việc sử dụng tài sản trong gia đình để vợ chồng hiểu nhau hơn, chưa cần thiết phải sử dụng đến pháp luật để xử lý. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm