Vĩnh biệt anh Nguyên Vẹn!

Chắc còn lâu, rất lâu mọi người trong báo Pháp Luật TP.HCMmới có thể tin rằng anh không còn nữa. Nhớ đến Nguyên Vẹn là nhớ đến nụ cười hiền, rạng rỡ. Là nhớ đến một nhà báo luôn đau đáu nỗi yêu nghề. Một người tận tâm với công việc, sống nhiệt tình nhưng không ồn ào, chừng mực, khiêm tốn và đầy trách nhiệm.

Anh có một thời gian dài làm báo Vĩnh Long trước khi chuyển về Pháp Luật TP.HCM. Dù ở đâu, điều khiến người ta nhớ đến Nguyên Vẹn không chỉ là những bài báo, mà còn là cách sống, cách tác nghiệp, là tình cảm của anh đối với mọi người.

Nhiều lần tôi về thăm nhà anh. Cái gia đình đông vui hơn chục anh em ấy nằm khiêm nhường giữa vườn bưởi Năm Roi bên bến sông Phù Ly, một nhánh của dòng sông Hậu, luôn đầy ắp tiếng cười. Ông bà cụ thân sinh của Nguyên Vẹn nghèo, tài sản lớn nhất họ để lại cho các con mình là sự ham học, là đức tính khiêm nhường chất phác nhưng khảng khái, là những phẩm chất để xứng đáng với hai từ “lương dân”.

Vẹn mang cái phẩm chất lương dân ấy đi làm báo. Vì thế những bài báo anh viết, câu chữ luôn thẳng với đời nhưng đầy ấp iu nghiêng xuống phận người.

Khảng khái thế nhưng anh chưa bao giờ coi ngòi bút mình là một thứ quyền lực. Nhiều vụ tiêu cực, sai trái anh viết rồi ngồi thừ người suy nghĩ. Anh luôn sợ câu chữ mình viết sai, làm đau người khác. Đôi lần trách anh viết chậm nhưng đi làm chung với Nguyên Vẹn mới thấy anh tác nghiệp rất nhanh và thông minh, cái chậm ấy là lúc anh đếm đong cân nhắc từng chữ trong bài viết của mình.

Là trưởng văn phòng đại diện của báo Pháp Luật TP.HCM, anh thuộc tính tình, tâm trạng từng phóng viên, xử sự với mỗi người nghiêm khắc nhưng chân thành, phóng viên trẻ được anh bảo ban từng chút một. Sự chăm sóc thầm lặng qua công việc của anh cứ ngấm dần vào mỗi người. Có những giai đoạn báo gặp khó khăn, có những người vì hoàn cảnh riêng và được lời mời gọi đến những cơ quan có thu nhập cao hơn nhưng đều từ chối vì yêu quý anh, yêu quý tờ báo. Với người quản lý, cái tình ấy là một thứ tài sản có khi phải dành dụm cả đời bằng những chắt chiu, chăm sóc. Nguyên Vẹn có thể không nói ra thì ai cũng thừa nhận rằng đó là thể hiện rõ nhất tình cảm của một nhà báo dành cho tờ báo của mình.

Vĩnh biệt anh Nguyên Vẹn! ảnh 1

Nhà báo Nguyên Vẹn (thứ hai, từ phải) trong lần đi công tác ra Trường Sa. Ảnh: PV

Vĩnh biệt anh Nguyên Vẹn! ảnh 2

Quyền Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM Mai Ngọc Phước đang chia buồn với vợ cố nhà báo Nguyên Vẹn. Ảnh: MAI VINH

Khi nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng (báo Tuổi Trẻ), là em trai của Nguyên Vẹn, gọi điện thoại báo tin anh qua đời vào đầu giờ sáng hôm kia, cả tòa soạn đang chuẩn bị giao ban online. Tin đến khiến mọi người như chết điếng. Anh Nguyên Vẹn mất quá đột ngột khiến cả cơ quan bàng hoàng và đau đớn. Vậy là từ nay không còn nghe giọng nói ấm áp của anh mỗi sáng giao ban, không còn những cuộc vui cùng anh khi có dịp gặp nhau với những câu chuyện nghề. Thật khó tin chuyện anh ra đi là sự thật. Vẫn còn đó tiếng cười của anh, giọng nói của anh khi phát hiện đề tài tâm đắc, đó là cánh đồng mẫu lớn vùng tứ giác Long Xuyên, là những vùng đất lạ ở miền Tây mà phải thân thuộc, yêu thương và hiểu về nó lắm người ta mới tìm thấy và viết về sự “lạ” của nó trong nhịp đời bình dị này. Anh Vẹn chưa bao giờ hùng hồn về hoài bão, ước mơ to tát nhưng cuộc đời ngắn ngủi 51 năm của anh đã toát lên điều đó: Sống hết mình, làm việc hết mình mỗi ngày, yêu thương mọi người và cuộc sống đã là hoài bão lớn nhất của anh, một nhà báo - lương dân!

Chiều nay mọi người sẽ tiễn anh từ Cần Thơ sang bờ bắc dòng sông Hậu, nơi vườn bưởi Năm Roi ở quê nhà xã Đông Bình, Bình Minh (Vĩnh Long) bên vàm Phù Ly. Anh sẽ trở về nơi anh sinh ra và ở lại đó, mãi mãi.

Tiễn đưa anh, bài viết ngắn này như một nén hương của đồng nghiệp, anh em, bè bạn... Anh đi, sự trống vắng mỗi sáng giao ban sẽ còn rất lâu mới có thể quen dần. Trong ký ức của đồng nghiệp, có những điều đẹp đẽ để nâng niu, trong đó có những tháng năm sống và làm báo cùng anh.

Yên nghỉ nhé, anh Nguyên Vẹn!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm