Vi phạm xây dựng, gây ô nhiễm: Không thể cắt điện, nước

Ngày 20-7, Pháp Luật TP.HCM có bài “Khó xử cơ sở nước đá gây ồn” có chi tiết Công ty Điện lực An Phú Đông (thuộc Tổng Công ty Điện lực TP.HCM, EVN HCMC) từ chối đề nghị ngừng cấp điện đối với cơ sở nước đá ở 38/2D tổ 24, khu phố 2, phường Trung Mỹ Tây (quận 12, TP.HCM) phát sinh tiếng ồn vượt quy định.

Bài viết nêu cơ sở nước đá tuy chấp nhận đóng phạt song không khắc phục, giảm tiếng ồn. Trong khi đó, các cơ quan chức năng thì lúng túng thực hiện biện pháp cưỡng chế… Trao đổi với người viết, ông Nguyễn Quang Thi, Giám đốc Công ty Điện lực An Phú Đông, giải thích thêm: “Theo các quy định cũ, chúng tôi có thể hỗ trợ cắt điện, song theo quy định hiện hành thì không thể”.

Lúng túng buộc khắc phục ô nhiễm

Theo Sở TN&MT TP.HCM, việc lúng túng như trên không phải cá biệt. Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm ngoài việc bị phạt tiền còn bị buộc thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, lây lan bệnh dịch. “Điều 52 của Nghị định 117/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường cho phép cưỡng chế ngừng cung cấp điện, nước và các dịch vụ có liên quan đối với các cơ sở, doanh nghiệp gây ô nhiễm không chấp hành quyết định xử phạt. Biện pháp cắt điện, nước nêu trên đạt hiệu quả cao khi xử lý các trường hợp chây ì khắc phục, không ngừng công đoạn sản xuất gây ô nhiễm” - Thanh tra Sở TN&MT TP.HCM cho biết.

Tuy nhiên, từ ngày 30-12-2013, Nghị định 179/2013 thay thế Nghị định 117/2009 không còn quy định biện pháp cưỡng chế trên. Điều này khiến các cơ quan chức năng lúng túng xử lý đối với các trường hợp gây ô nhiễm nhưng không thực hiện hoặc khắc phục ô nhiễm chưa triệt để. Vì vậy, ngày 7-7, UBND TP đã có Văn bản 3522/UBND-ĐTMT kiến nghị Bộ TN&MT có hướng dẫn thực hiện cưỡng chế đối với các tổ chức, cá nhân chây ì nhằm xử lý dứt điểm ô nhiễm, tránh để sự việc kéo dài gây bức xúc cho người dân.

Theo UBND TP, khoản 1 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính cho phép cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt khi người vi phạm không tự nguyện chấp hành. Tuy vậy, luật này và Nghị định 179/2013 chưa quy định cụ thể biện pháp cưỡng chế nếu người vi phạm không khắc phục hậu quả, gây khó khăn cho việc ban hành quyết định cưỡng chế.

Vi phạm xây dựng: Cũng không thể cắt điện, nước

Ông Vòng A Lộc, Trưởng phòng Quản lý điện năng, Sở Công Thương TP.HCM, cho biết theo Luật Xây dựng năm 2003 và Nghị định 180/2007 thì cơ quan có thẩm quyền thông báo không cung cấp điện, nước, các hoạt động kinh doanh và các hoạt động dịch vụ khác đối với những công trình vi phạm xây dựng. Khi đó, ngành điện phải thực hiện theo.

Đại diện Ban Pháp chế EVN HCMC cũng cho biết theo Thông tư 30/2013 của Bộ Công Thương thì ngành điện được ngừng cung cấp điện theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền nếu tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Điện lực, Luật Xây dựng và pháp luật bảo vệ môi trường. “Sau khi Luật Xây dựng 2014 có hiệu lực (từ ngày 1-1-2015), ngành điện gặp vướng khi nhận được yêu cầu ngừng cấp điện để hỗ trợ xử lý vi phạm xây dựng” - vị này nói.

“Căn cứ vào các quy định pháp luật, ngày 27-5, Bộ Công Thương có hướng dẫn không ngừng cấp điện theo yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm Luật Xây dựng. Gần đây, việc Công ty Điện lực Tân Bình cắt điện ở chung cư Bảy Hiền Tower do chung cư này vi phạm xây dựng là không đúng nên đơn vị này phải tái lập trở lại” - ông Vòng A Lộc dẫn chứng.

Được biết Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã từng đề nghị Bộ Xây dựng có ý kiến tháo gỡ những khó khăn trên. Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng trả lời: Luật Xây dựng năm 2014 không còn quy định về việc ngừng cấp điện đối với các vi phạm xây dựng.

Trước đây, ngành cấp nước có thực hiện việc cúp nước đối với các trường hợp bị xử phạt hành chính, chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng. Chúng tôi cắt nước khi nhận được yêu cầu của cơ quan chức năng hỗ trợ thực hiện quyết định xử phạt hành chính. Việc này phù hợp với Quyết định 20/2007 của UBND TP, Nghị định 180/2007 và Nghị định 117/2009. Tuy vậy, Luật Xây dựng 2014 và các văn bản pháp luật liên quan bảo vệ môi trường hiện hành không quy định biện pháp cắt điện, cúp nước nên chúng tôi không thực hiện việc cúp nước liên quan trường hợp xử phạt vi phạm hành chính nữa.

Một lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Chợ Lớn

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm