Vi phạm giao thông: Phạt lao động công ích cho chừa!

Tuy nhiên, trước tình hình vi phạm giao thông gia tăng, có xu hướng lờn luật thì đây là hình thức xử phạt cần được sớm nghiên cứu đưa trở lại vào Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Lao động công ích nghĩa là làm những việc phục vụ cộng đồng mà không được trả công. Trước đây, Pháp lệnh lao động công ích (có hiệu lực từ năm 2000) buộc người dân phải đi lao động công ích hằng năm đối với nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 35 tuổi. Địa điểm lao động công ích là tại nơi người đó thường xuyên sinh sống và có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú liên tục từ sáu tháng trở lên.

Mục đích của pháp lệnh là huy động người dân đi làm việc công ích là chủ yếu, hạn chế việc đóng thay bằng tiền. Tuy nhiên, thực tế thì hầu hết các địa phương lúc đó lại chủ yếu huy động bằng tiền, làm tăng gánh nặng của người dân. Điều đó đã làm sai mục đích và mất đi ý nghĩa của lao động công ích. Chính vì thế, từ ngày 1-1-2007, Pháp lệnh lao động công ích đã được bãi bỏ, người dân không còn phải đi lao động công ích nữa.

Tuy nhiên, hiện nay, trước tình hình tai nạn giao thông tăng và người vi phạm có xu hướng lờn luật thì nhiều địa phương muốn bổ sung hình thức xử phạt lao động công ích vào luật.

Thực tế cho thấy nhiều trường hợp vi phạm giao thông với những lỗi cố ý được lặp đi lặp lại nhiều lần (chạy quá tốc độ, lấn làn, vượt đèn đỏ…) thể hiện ý thức của người tham gia giao thông rất kém. Tuy nhiên, cứ đóng tiền phạt xong là lại tiếp tục lái xe tham gia giao thông, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cộng đồng. Đã từng có địa phương đề xuất tăng gấp đôi tiền phạt để răn đe những “hung thần” kiểu này. Điều gì chắc chắn rằng sau khi rút ví đóng tiền phạt cao thì ý thức của người vi phạm được thay đổi? có gì chắc chắn rằng họ sẽ không tái phạm lần sau, nhất là với những người thừa tiền, thừa quyền mà thiếu ý thức?

Lao động công ích là một hình thức phạt đánh vào tâm lý người vi phạm để họ biết ăn năn, xấu hổ với lỗi lầm của mình, tránh tái phạm gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng. Đồng thời qua đây người vi phạm nhận thấy được bổn phận, trách nhiệm của mình đối với xã hội mình đang sống. Lao động công ích không cần tay nghề chuyên môn cao nhưng là công việc mà nhiều người lao động khác đang phải vất vả mỗi ngày vì cộng đồng như dọn vệ sinh ở những xe vệ sinh công cộng, quét rác, tưới cây, sơn lại tường bị vẽ bậy…

Gây lỗi - đóng tiền phạt - đi tiếp là một cách phạt chẳng răn đe được mấy với những người thừa tiền mà thiếu ý thức, sống vội. Trong một số trường hợp cần phải cho người vi phạm sống chậm lại để suy nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm với cộng đồng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm