Vay 350 triệu phải đi công chứng nhận nợ hơn 2,7 tỉ

Sau khi đăng bàiVay 50 triệu nhưng phải trả hơn 20 tỉ” được đăng tải vào ngày 23-12, báo Pháp Luật TP.HCMlại tiếp nhận thêm nhiều trường hợp kêu cứu của các nạn nhân trong những vụ đi vay tiền bị chủ nợ khủng bố, gây áp lực để đòi nợ.

Trốn về quê cũng không thoát

Anh NLCH (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết cuối năm 2017, do cần vốn kinh doanh nên vợ chồng anh đã vay của một người tên NPP 400 triệu đồng. Trong hợp đồng ghi lãi suất do các bên thỏa thuận, còn thời hạn được quy định cho tới khi một trong hai bên có nhu cầu thanh lý hợp đồng và vay với hình thức chỉ trả lãi hằng tháng.

“Hằng tháng tôi phải trả số tiền lãi là 66 triệu đồng, nếu trả thiếu thì số tiền đó được cộng gốc để tính. Cứ sau một thời gian thì bên bà NPP lại ký thêm một phụ lục hợp đồng với nội dung chính là xác định lại số nợ gốc vay sau những lần cộng tiền lãi chậm trả trước đó.

Tháng 6 vừa rồi, tôi bị nhóm người được cho là của bà P. đánh, bắt ép và ký vào phụ lục hợp đồng vay tiền với số tiền lên tới hơn 1,9 tỉ đồng, lãi suất là 3%/tháng” - anh H. nói.

Cạnh đó, cơ sở sản xuất giày dép của anh H. trên đường Mã Lò, quận Bình Tân cũng liên tục bị các đối tượng lạ mặt ném đá vào ban đêm...

Cơ sở làm ăn thì bị đe dọa phải đóng cửa, trong khi số nợ đã lên tới tiền tỉ và liên tục bị các đối tượng hăm dọa nên vợ chồng anh H. đã phải cùng con nhỏ dọn về quê ở Ninh Thuận. Tuy nhiên, về quê gia đình anh H. cũng bị các đối tượng đòi nợ tìm về đến tận nơi.

Sau khi cơ sở sản xuất của mình bị tấn công và các thành viên trong gia đình bị đe dọa, anh H. đã trình báo tới công an phường. Tuy nhiên, anh H. cho biết sau đó công an phường hướng dẫn anh nộp đơn lên trên Công an quận Bình Tân.

Công an quận sau khi đọc nội dung đơn đã hướng dẫn anh về công an phường để được xử lý. Mới đây anh H. đã phải gửi đơn tới Công an TP.HCM để trình báo.

Chị Hồng đang trình bày vụ việc và nhà chị Nguyễn Thị Thu Hồng (ảnh nhỏ) bị tạt sơn ngày 20-12. Ảnh: ĐẶNG LÊ

Từ vay 350 triệu đến hợp đồng công chứng vay 2,7 tỉ

Hốt hoảng phản ánh đến chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thu Hồng (phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết chị đang bế tắc vì vướng vào khoản nợ mà đến ngay cả chị cũng không hiểu cách tính như thế nào.

Cụ thể, chị Hồng cho biết chị vay tiền của anh CTKQ hai lần với tổng số tiền là 350 triệu đồng bằng hình thức chỉ trả lãi cho một chu kỳ vay. Lần đầu, ngày 6-6-2017 chị vay 50 triệu đồng; lần hai, ngày 26-7-2017 chị vay 300 triệu đồng.

Với giấy mượn tiền 50 triệu đồng, nếu chậm trả một ngày chị sẽ bị phạt 5 triệu đồng. Với giấy mượn tiền 300 triệu đồng, nếu chậm trả chị sẽ bị phạt 30 triệu đồng/ngày hoặc phạt 60 triệu đồng/ngày tùy vào thời gian chậm trả. Do đó, từ khoản vay 350 triệu đồng trong vòng khoảng hơn ba tháng, số tiền chị Hồng bị phạt lên tới 2,4 tỉ đồng, cộng với tiền gốc là 350 triệu đồng nữa thì tổng số tiền chị phải trả là hơn 2,7 tỉ đồng.

“Với số nợ trên, anh Q. ép tôi phải ra văn phòng công chứng để công chứng hợp đồng vay 2,7 tỉ đồng. Ai rơi vào trong trường hợp của tôi cũng không chấp nhận số tiền phạt phi lý như vậy. Thế nhưng trước khi ra công chứng hợp đồng vay 2,7 tỉ đồng, tôi đã phải chịu áp lực khủng khiếp từ phía Q. Do bị uy hiếp tính mạng, con tôi lúc đó mới hai tuổi nên tôi đành phải đi công chứng xác nhận số nợ 2,7 tỉ đồng” - chị Hồng nói.

“Tôi đã gửi đơn kêu cứu đi khắp các cấp công an, từ công an phường tới công an quận và Công an TP. Sau đó, hồ sơ được Công an quận Bình Thạnh thụ lý và mời những người liên quan lên làm việc. Hiện tại tôi vẫn còn bị gây áp lực” - chị Hồng cho biết.

Mới đây nhất, ngày 20-12, chị Hồng bị các đối tượng lạ mặt đến tạt sơn vào nhà. Theo như thông tin chị Hồng cung cấp thì sự việc đã được công an quận xuống ghi nhận.

Chính người đi vay phải tỉnh táo để cứu mình

Sau khi đăng tải bài viết“Vay 50 triệu nhưng phải trả hơn 20 tỉ”, chúng tôi nhận được rất nhiều bình luận của bạn đọc gửi về. Đa phần các ý kiến đều bất bình với kiểu cho vay lãi suất cao và kêu gọi người đi vay cần tỉnh táo để không bị rơi vào con đường không lối thoát.

• Tại mọi người không biết, khi cho vay, ban đầu bọn chúng rất nhẹ nhàng, ân cần, để con mồi sa lầy rồi thì tụi nó đòi xử. Người lâm vào cảnh này đa phần đều bị thủ đoạn của tụi nó đánh lừa - Tiến Đoàn

• Khi đã vay của bọn chúng, người vay không tránh được nhiều thủ đoạn nham hiểm của chủ nợ nhằm đẩy con nợ luôn mang thêm nợ, trả lãi cắt cổ để nuôi chúng... - Lê Na

• Ngân hàng Chính sách xã hội nên chú ý đến việc này và mở rộng đối tượng cho vay. Chính quyền cũng giúp đỡ xác minh các hộ nghèo, tạo điều kiện để họ vay vốn làm ăn chính đáng - Lê Duy Thuấn 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm