Vẫn còn có nơi thích... hoành tráng trong khi dân còn nghèo

“Tỉnh nghèo còn định chơi sang”, “Giám đốc sở nói về khoản chi 104 tỉ cho danh xưng Thanh Hóa”, “Xin cứu đói vẫn muốn chi trăm tỉ làm lễ hội”… là tuyến bài viết về việc tỉnh Thanh Hóa dự kiến chi 104 tỉ đồng tổ chức sự kiện 990 năm danh xưng Thanh Hóa. Các bài viết đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ dư luận xã hội.

“Đây có phải là căn bệnh “thích hoành tráng” của một số địa phương?” là câu hỏi của bạn NamAn Nhut. Độc giả này lo lắng khi nhiều địa phương còn có cảnh trẻ em vượt lũ, băng đèo đi học, nhiều gia đình còn phải sống trong cảnh tạm bợ, chạy lo bữa ăn hằng ngày. Bao nhiêu đó thôi cũng đủ để hiểu và lo cho “bầu sữa ngân sách” sẽ bị thủng vì căn bệnh thích hoành tráng.

Bạn Nguoidan góp ý: Đề nghị Chính phủ ra quy định cấm các loại lễ như thế này, bao gồm cả ngày lễ truyền thống của các ngành. Tôi thấy quá tốn kém, mất thời gian, tiền bạc của cán bộ, người dân và hầu hết người dân không đồng tình.

Một lý do Thanh Hóa đưa ra là số tiền hơn 100 tỉ đồng cũng có kêu gọi xã hội hóa. Theo bạn MinhKha thì trên đời không ai cho không ai cái gì, cho dù là xã hội hóa mà số tiền đó cũng chỉ là trao qua đổi lại, không nên lễ lạc hoành tráng tốn kém quá như thế. Nhiều độc giả đồng tình với quan điểm của một lãnh đạo xin giấu tên của tỉnh này rằng Thanh Hóa cần tiết kiệm, bởi một đồng cũng là tiền của dân bỏ ra.

Bài viết “Xã, phường đặt biển cấm chụp ảnh có đúng không?” trong tuần qua phản ánh sự việc xảy ra ở Bình Dương đã nhận được nhiều phản hồi góp ý của bạn đọc.

Bạn Nguyễn Thị Lan bức xúc rằng UBND phường, xã là nơi tiếp xúc với người dân nhiều nhất. Đúng ra phải cởi mở thân thiện để cho thấy chính quyền gần dân hơn, cớ sao phải đặt bảng cấm làm gì? Vàng thật thì không sợ lửa, nếu chính quyền thấy sai thì phải chấn chỉnh lại ngay.

Cũng theo bạn DuySon, các biển cấm này cần dỡ bỏ, cơ quan chính quyền phường, xã là nơi gần dân nhất mà không tạo sự thiện cảm thì làm sao lắng nghe tâm tư, phản ánh của người dân.

Bài viết “Biến hóa đất vàng nhà nước vào tay tư nhân” nói về việc Khánh Hòa giao gần 1.000 m2 đất vàng cho một doanh nghiệp thuê chỉ với 4,5 tỉ đồng trong 50 năm cũng nhận được nhiều ý kiến bức xúc của bạn đọc.

Bạn 2Lua đặt câu hỏi đã xác định là đất vàng, đất bạc rồi mà sao chính quyền không tổ chức đấu giá để các cá nhân, tổ chức tham gia cùng đấu giá công bằng? Khi dư luận lên tiếng thì các quan chức cứ trả lời là đã làm đúng luật, đúng quy trình. Sau khi thanh tra, kiểm tra thì sai luật tét bét. Vậy là sao, không lẽ các quan chức cứ nhắm mắt ký cho thuê đơn giản vậy thôi sao? Đất vàng giao cho doanh nghiệp giá bèo như vậy thì ai hưởng lợi?

Bạn VuBoc lý giải phần lớn các đại gia phất lên nhờ thâu tóm bất động sản giá rẻ. Qua đây cho thấy có sự lỏng lẻo và có khoảng trống về pháp luật quản lý đất đai, nhất là nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Hàng loạt cơ sở là công sản nhà nước sau khi được di dời, sáp nhập thì trở thành các dự án nhà ở. Quá trình mua bán tài sản này cần có cơ chế luật đầy đủ để Nhà nước không mất tiền tỉ như lâu nay.

Bài viết “Gần một nửa người chơi “hàng đá” ở độ tuổi từ 13 đến 18” có thông tin gây sốc cho nhiều bậc cha mẹ.

Bạn MaiQuynh chia sẻ: Tôi có hai đứa con đang tuổi dậy thì, hằng ngày các cháu tự đi học, đi chơi với bạn bè sau khi xin phép cha mẹ. Đọc qua thông tin bài báo nêu tôi sốc và thật sự lo lắng cho các con của mình. Các cháu thiếu kỹ năng sống, tuổi đời còn quá trẻ thì sẽ rất dễ bị rủ rê, lợi dụng rơi vào tệ nạn này.

Bạn ThuDung đề nghị nên chăng ngành giáo dục kết hợp cùng ngành công an để đưa ra những bài giảng, buổi nói chuyện về tác hại, cách phòng chống tệ nạn ma túy cho các em học sinh từ cấp 2 trở lên… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm